Đề tài Một vài suy nghĩ trong cách xây dựng câu hỏi và tổ chức thảo luận khi dạy các bài "Chuyện người con gái Nam Xương" (Ngữ văn 9 - Tập I) - Khởi ngữ (Ngữ văn 9 - Tập II)

Đề tài Một vài suy nghĩ trong cách xây dựng câu hỏi và tổ chức thảo luận khi dạy các bài "Chuyện người con gái Nam Xương" (Ngữ văn 9 - Tập I) - Khởi ngữ (Ngữ văn 9 - Tập II)

Trong lĩnh vực giáo dục một số vấn đề được quan tâm và bàn luận sôi nổi từ nhiều thập kỉ qua là: Đổi mới phương pháp dạy học. Ở Nghị quyết IV, khóa II năm 1993 Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ: "Phải đổi mới phương pháp dạy học ở tất cả các cấp học, bậc học" và đến Nghị quyết TWII khóa VIII lại tiếp tục khẳng định: "Phải đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo khắc phục lối truyền thụ một chiều rèn luyện nếp tư duy sáng tạo của người học". Định hướng trên đây đã được pháp chế hóa trong Luật giáo dục tại điều 24.2 ghi rõ: "Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác chủ động sáng tạo của học sinh phù hợp đặc điểm của từng lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào cuộc sống, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui sự hứng thú học tập của học sinh.

 

doc 9 trang Người đăng linhlam94 Lượt xem 896Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Một vài suy nghĩ trong cách xây dựng câu hỏi và tổ chức thảo luận khi dạy các bài "Chuyện người con gái Nam Xương" (Ngữ văn 9 - Tập I) - Khởi ngữ (Ngữ văn 9 - Tập II)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Sáng kiến kinh nghiệm
Tên đề tài: Một vài suy nghĩ trong cách xây dựng câu hỏi và tổ chức thảo luận khi dạy các bài "Chuyện người con gái Nam Xương" 
(Ngữ văn 9 - Tập I) - Khởi ngữ (Ngữ văn 9 - Tập II)
-----------------------
	A. Đặt vấn đề:
	1. Cơ sở lí luận:
	Trong lĩnh vực giáo dục một số vấn đề được quan tâm và bàn luận sôi nổi từ nhiều thập kỉ qua là: Đổi mới phương pháp dạy học. ở Nghị quyết IV, khóa II năm 1993 Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ: "Phải đổi mới phương pháp dạy học ở tất cả các cấp học, bậc học" và đến Nghị quyết TWII khóa VIII lại tiếp tục khẳng định: "Phải đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo khắc phục lối truyền thụ một chiều rèn luyện nếp tư duy sáng tạo của người học". Định hướng trên đây đã được pháp chế hóa trong Luật giáo dục tại điều 24.2 ghi rõ: "Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác chủ động sáng tạo của học sinh phù hợp đặc điểm của từng lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào cuộc sống, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui sự hứng thú học tập của học sinh.
	Bước sang thế kỉ XXI khi nền khoa học công nghệ phát triển như vũ bão thì ngành Giáo dục có nhiệm vụ vô cùng nặng nề là phải làm sao đào tạo được thế hệ tương lai phải là những người biết hành động một cách năng động và sáng tạo. Để thực hiện được nhiệm vụ đó thì ở tất cả các cấp học, ngành học đều phải áp dụng phương pháp dạy học theo hướng "Phát huy tính tích cực của người học" bởi đây là nhân tố mới có vai trò thúc đẩy nhà trường phát triển gắn kết, hòa nhập với sự phát triển của công nghệ tạo nguồn lực đem lại lợi ích to lớn cho xã hội.
	2. Cơ sở thực tiễn:
	Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp trong công tác giáo dục cũng như đối với yêu cầu chung của xã hội nên trong tất cả các giờ dạy học nói chung và giờ giảng văn nói riêng người giáo viên đặc biệt quan tâm đến việc phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Nhìn chung các giờ Ngữ văn giáo viên không còn là người chuyên cung cấp kiến thức mà là người tổ chức những hoạt động để kích thích tính tư duy độc lập của học sinh, giúp học sinh chủ động khám phá nghệ thuật văn chương, phát huy ngôn ngữ, tạo lập văn bản.
	Tuy vậy trong thực tế vẫn còn tình trạng giáo viên lúng túng trong phương pháp, giáo viên còn nói nhiều học sinh chỉ biết lắng nghe rồi ghi nhớ. Nhiều giờ học giáo viên chỉ hướng dẫn học sinh trả lời các câu hỏi ở SGK. Cũng có những trường hợp giáo viên đã chú ý đến hệ thống câu hỏi song các câu hỏi nêu ra còn vụn vặt, chưa phù hợp với mục tiêu mà bài học đưa ra đặc biệt chưa có những câu hỏi tạo sự hứng thú học cho học sinh... Vì thế những giờ văn đó học sinh tiếp thu bài một cách thụ động, học sinh không được trao đổi bàn bạc cùng nhau... từ đó học sinh có tư tưởng chán học môn Ngữ văn.
	Theo suy nghĩ của tôi nguyên nhân chính đó là: Nhiều đồng chí chưa biết nên xây dựng hệ thống câu hỏi như thế nào cho hợp lí? Đưa ra những vấn đề gì để học sinh tranh luận trao đổi phát huy tính tích cực sáng tạo, tư duy trong giờ học... Với tinh thần giúp học sinh học tập hứng thú hơn trong môn Ngữ văn đồng thời phần nào đó giúp được các đồng nghiệp rút kinh nghiệm hơn sau mỗi giờ lên lớp, tôi xin phép được trình bày một vài suy nghĩ của mình khi dạy các bài "Chuyện người con gái Nam Xương" (Ngữ văn 9 - Tập I) và bài "Khởi ngữ" (Ngữ văn 9 - Tập II).
	B. Giải quyết vấn đề:
	Như trên đã nói, để có một tiết dạy thành công và gây được sự hứng thú học tập của học sinh theo tôi khâu quan trọng nhất là cách giáo viên xây dựng câu hỏi và tổ chức cho học sinh thảo luận như thế nào cho có hiệu quả. Vậy nên trong mỗi bài giảng tôi đã xây dựng cho mình một hệ thống câu hỏi có quan hệ mật thiết, chặt chẽ với hệ thống câu hỏi ở SGK. Với cách làm này một phần nào đã giúp học sinh nối kết được giữa phần tự học trước đó (bài trước) với việc tìm hiểu vận dụng kiến thức kĩ năng của bài học trên lớp (bài mới). Sau đây tôi xin được trình bày cụ thể qua 2 bài như sau:
	* Bài 1: Văn bản "Chuyện người con gái Nam Xương" (Ngữ văn 9 - Tập I).
	Khi tìm hiểu văn bản "Chuyện người con gái Nam Xương" theo tôi phần nội dung quan trọng nhất là phần tìm hiểu về nhân vật Vũ Nương, nên trong bài viết này tôi chỉ xin phép được giới thiệu với các đồng nghiệp một hệ thống câu hỏi liên quan đến nhân vật Vũ Nương.
	Sau phần giới thiệu bài và phần hướng dẫn đọc, kể, tìm hiểu chú thích thì tôi tiến hành hoạt động 3 là: Tìm hiểu văn bản.
	Trước hết tôi vận dụng các câu hỏi ở SGK.
	GV hỏi: Vũ Nương được tác giả miêu tả trong những hoàn cảnh nào? ở trong mỗi hoàn cảnh Vũ Nương đã bộc lộ được những đức tính gì?
	HS sẽ trả lời: Vũ Nương được miêu tả trong 4 cảnh đó là:
	1. Trong cuộc sống vợ chồng bình thường.
	2. Khi tiễn chòng đi lính.
	3. Khi xa chồng.
	4. Khi bị chồng nghi oan.
	Sau khi phân tích xong 4 nội dung cơ bản trên học sinh sẽ dễ dàng nhận thấy được phẩm chất của Vũ Nương đó là: Một người phụ nữ xinh đẹp, nết na, thùy mị, đảm đang, tháo vát, chung thủy với chồng, hiếu thảo với mẹ chồng, thương con và hết lòng vun đắp cho hạnh phúc gia đình.
	GV hỏi tiếp: Một người phụ nữ như vậy theo em có đáng được hưởng hạnh phúc không? (có).
	? Điều gì đã làm cho Vũ Nương không hạnh phúc (GV cho HS kể lại chi tiết cái bóng).
	GV kết luận: Vũ Nương không được hạnh phúc vì bị chồng nghi oan là thất tiết và nàng đã tìm đến cái chết. 
	? Thực lòng thì Vũ Nương có muốn tìm đến cái chết không. (không)
	? Tại sao nàng lại tìm đến cái chết.
	GV cho học sinh thảo luận, lí giải.
	GV gợi ý: Có người cho rằng Vũ Nương chết là đúng theo ý kiến của em như thế nào?
	HS có thể tranh luận: Đúng hoặc không đúng.
	Sau đó giáo viên kết luận vấn đề: Vũ Nương tìm đến cái chết là đúng. Thực ra Vũ Nương không muốn chết nhưng nàng không còn con đường nào khác để lựa chọn khi nàng sống trong cái xã hội phong kiến ấy. Để một đời chung thủy với chồng, để rửa sạch nỗi oan cho bản thân nàng đã phải tìm đến cái chết. Nàng chết để bảo vệ danh dự của mình.
	GV tiếp tục cho HS thảo luận:
	? Nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của Vũ Nương.
	HS sẽ thảo luận, trao đổi và rút ra được rất nhiều nguyên nhân.
	Ví dụ:	 - Cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối.
	 - Do lời nói của bé Đản.
	 - Do cuộc chiến tranh làm vợ chồng xa cách.
	 - Do tính cách và sự vô học của Trương Sinh.
	 - Do xã hội phong kiến.
	Để cho học sinh hiểu được một cách thấu đáo tôi đã phân tích cụ thể từng nguyên nhân để giúp học sinh nhận thức rõ được nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Vũ Nương, làm cho hạnh phúc gia đình tan vỡ đó là do tính cách và sự vô học của Trương Sinh.
	(Nếu như vì chiến tranh thì đây chỉ là một nguyên nhân gián tiếp mà thôi. Vì chi tiết Trương Sinh đi lính chẳng có vai trò quyết định gì trong nội dung câu chuyện đánh ghen đến mức đẩy vợ tới bước đường cùng và tìm đến cái chết... và các nguyên nhân khác cũng như thế).
	Sau khi học sinh đã hiểu được phần nào về số phận của nhân vật Vũ Nương, giáo viên hỏi tiếp:
	? Từ nhân vật Vũ Nương em có suy nghĩ gì về số phận người phụ nữ trong xã hội cũ.
	- Học sinh trả lời xong, giáo viên chốt lại: Hạnh phúc của người phụ nữ rất mong manh, trong xã hội ấy quyền sống của người phụ nữ bị chà đạp, người phụ nữ không được ai bênh vực bảo vệ. Hạnh phúc của họ bị tan vỡ là do chính những người thân yêu nhất gây ra.
	Để tiếp tục bài giảng tôi đã đưa ra một vài câu hỏi liên hệ với bài cũ cho học sinh thảo luận.
	? Số phận nhân vật Vũ Nương gợi cho em liên tưởng đến nhân vật nào trong một vở chèo cổ của Việt Nam.
	(Nhân vật Thị Kính trong vở chèo Quan Âm Thị Kính).
	? Theo em có cách nào giải thoát oan trái cho những người phụ nữ như Vũ Nương và Thị Kính mà không cần đến sức mạnh của siêu nhân, thần kì?
	- Học sinh thảo luận, trao đổi và trình bày.
	- Giáo viên chốt lại vấn đề và đưa ra 2 cách để giải thoát oan trái đó là:
	+ Xóa bỏ chế độ áp bức bất công, tạo ra một xã hội công bằng.
	+ Tôn trọng quyền làm người của người phụ nữ.
	Cuối cùng giáo viên đưa ra câu hỏi cho học sinh đối chiếu, so sánh.
	? Trong xã hội của chúng ta ngày nay, nếu chỉ vì cái bóng thì Vũ Nương có tìm đến cái chết hay không?
	HS trao đổi và so sánh được: Sống trong xã hội ngày nay - một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì việc tìm đến cái chết như Vũ Nương là không thể có.
	-> GV nhận xét, bổ sung:
	- GV sơ kết nội dung bài học (tiết 1).
	* Bài 2: Khởi ngữ (Ngữ văn 9 - Tập II).
	Khi tiến hành hướng dẫn học sinh tìm hiểu đặc điểm và công dụng của khởi ngữ.
	Việc đầu tiên tôi cho học sinh tìm hiểu đặc điểm và công dụng của khởi ngữ.
 Tôi cho học sinh quan sát các ví dụ đã chiếu trên máy và gọi học sinh đọc các ví dụ đó.
	Ví dụ:
	a) Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động.
	(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)
	b) Giàu, tôi cũng giàu rồi.
	(Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng)
	c) Về các thể văn trong lĩnh vực văn nghệ, chúng ta có thể tin ở tiếng ta, không sợ nó thiếu giàu và đẹp...
	(Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt)
	Tiếp đến tôi tổ chức cho học sinh tìm hiểu câu hỏi 1 ở sách giáo khoa
	Câu hỏi như sau: Phân biệt các từ ngữ in đậm với chủ ngữ trong những câu trên về vị trí trong câu và quan hệ chủ ngữ? Nếu học sinh chưa trả lời được tôi nêu thêm câu hỏi gợi mở:
	Câu hỏi: Tìm bộ phận chủ ngữ và vị ngữ trong những câu trên?
	ở a: Chủ ngữ trong câu là từ "anh" thứ hai.
	ở b: Chủ ngữ là từ "tôi".
	ở c: Chủ ngữ là từ "chúng ta"
	Hỏi: Phân biệt các từ ngữ in đậm với chủ ngữ?
	- Về vị trí: Các từ ngữ in đậm đứng trước chủ ngữ.
	- Về quan hệ với vị ngữ: Các từ ngữ in đậm không có quan hệ chủ - vị với vị ngữ.
	Hỏi: Các từ ngữ in đậm có công dụng gì? Nêu lên đề tài được nói đến trong câu.
	Từ đó tôi khái quát: Đặc điểm và công dụng của khởi ngữ.
	Tôi gọi học sinh đọc phần 1 của ghi nhớ, tôi tiếp tục đưa câu hỏi để học sinh phân biệt dấu hiệu của khởi ngữ.
	Hỏi: Trước khởi ngữ thường có những từ gì?
	Học sinh trả lời tôi kết luận phần 2 của ghi nhớ.
	Tôi gọi học sinh đọc ghi nhớ 2.
	Tôi chuyển sang phần mở rộng: Sau những khởi ngữ đó các em có thể thêm từ "thì" được không? Học sinh dễ dàng thêm được ở câu a: Còn anh thì, anh không ghìm nổi xúc động.
	ở câu b: Giàu thì tôi cũng giàu rồi.
	ở câu c: Về các thể văn trong lĩnh vực văn nghệ thì chúng ta có thể tin ở tiếng ta, không sợ nó thiếu giàu và đẹp.
	Tôi nhấn mạnh: Muốn xác định khởi ngữ bằng cách thử thên vào trước nó các quan hệ từ: về, đối với, còn, thêm vào phía sau nó từ "thì".
	Khi học sinh đã hiểu đặc điểm và công dụng của khởi ngữ tôi đưa thêm vấn đề và tổ chức cho các nhóm thảo luận: Tìm ra sự khác biệt giữa khởi ngữ và các từ ngữ khác trong các câu sau để khắc sâu kiến thức. Vấn đề đó là:
	1. Thầy thì thầy không bênh vực những em học sinh lười học (1).
	2. Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi (2).
	Hỏi: Phân biệt từ "thầy" ở câu 1 và từ "thầy" ở câu 2 về chức năng.
	Sở dĩ tôi đặt ra điều này vì nhiều em cứ nghĩ rằng trước khởi ngữ có các từ "thì" nên nhiều em đã xác định các từ "thầy" đều là khởi ngữ.
	Tuy nhiên một số em không đồng tình với ý kiến của bạn.
	Để học sinh hiểu thấu đáo vấn đề này, tôi đưa thêm câu hỏi gợi mở và tiếp tục hướng dẫn học sinh tìm hiểu thảo luận.
	Hỏi: Nếu bỏ từ "thầy" đầu câu 1 thì ý nghĩa cơ bản của câu đó thay đổi không? Tác dụng của từ "thầy" đó là gì? Học sinh trả lời, giáo viên kết luận: Nếu bỏ từ "thầy" đầu câu 1 thì ý nghĩa của câu không thay đổi. Từ "thầy" trong câu 1 làm khởi ngữ nhằm nhấn mạnh đến chủ thể hành động trong câu. Còn từ "thầy" trong câu 2 nêu lên chủ thể trong câu, từ "thầy" đó giữ chức vụ chủ ngữ.
	Tiếp tục bài giảng tôi cho học sinh làm các bài tập 1, 2 SGK.
	Cuối cùng tôi chuyển sang hoạt động: Củng cố bài học và hướng dẫn học sinh học ở nhà.
C. Kết luận:
	Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi khi dạy các bài "Chuyện người con gái Nam Xương" và bài "Khởi ngữ". Qua quá trình thực nghiệm tôi nhận thấy nội dung chương trình và sách giáo khoa là rất quan trọng song phương pháp giảng dạy của một người giáo viên khi dạy văn lại là điều quan trọng nhất vì nó là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của giờ dạy đó. Vì thế trong mỗi giờ lên lớp người giáo viên dạy văn cần phải trau dồi và chú ý đến phương pháp đặc biệt là cách xây dựng hệ thống các câu hỏi và tổ chức thảo luận cho học sinh như thế nào cho hợp lý để gây được sự chú ý của người học. Sau 10 năm công tác tôi đã rút ra cho mình được rất nhiều kinh nghiệm nhưng kinh nghiệm mà tôi tâm đắc nhất đó là muốn có một giờ dạy thành công thì người giáo viên phải biết xây dựng cho giờ học đó một hệ thống câu hỏi và cách tổ chức cho học sinh thảo luận và gây được sự hứng thú học tập của các em, theo tôi giáo viên cần lưu ý:
	- Xây dựng câu hỏi cần phải gắn với mục đích, yêu cầu của bài học.
	- Câu hỏi đặt ra từ nhiều góc độ: Có câu hỏi suy luận, có câu hỏi gây hứng thú, có câu hỏi hệ thống hóa kiến thức, có câu hỏi gợi mở, có câu hỉ nêu vấn đề, có câu hỏi đối chiếu, so sánh...
	- Trong hàng loạt câu hỏi như vậy giáo viên cần phải xây dựng được những câu hỏi có vấn đề cho học sinh thảo luận tranh luận để tạo sự hứng thú và cách tư duy cho học sinh khi học môn Ngữ văn.
	Từ những kinh nghiệm trên tôi xin được đề nghị một vài vấn đề như sau:
	1. Đối với người giáo viên: Mỗi giáo viên khi lên lớp cần xây dựng cho mình một hệ thống câu hỏi hợp lí, cần chú ý đến sự kết hợp câu hỏi ở SGK và câu hỏi tự thiết kế; phải luôn nhắc nhở và theo sát học sinh mỗi khi đưa ra câu hỏi thảo luận để tránh việc thảo luận chỉ tập trung vào một số học sinh khá.
	2. Đối với học sinh: Cần tóm tắt và nắm được những nội dung cơ bản (đối với văn bản là truyện) và thuộc lòng (đối với các đoạn thơ, bài thơ) trước khi nghe giáo viên giảng bài; soạn bài đầy đủ theo yêu cầu của SGK.
	D. Kiến nghị đề xuất:
	- Ban giám hiệu và nhà trường cần quan tâm hơn nữa đối với những giáo viên dạy Ngữ văn vì trên thực tế các giáo viên chưa có đủ điều kiện tốt để say sưa với các bài giảng của mình, đặc biệt là thiếu các loại sách tham khảo.
	- Nên tin giản thời gian để giáo viên có điều kiện tự học, tự trau dồi kiến thức của mình những lúc rảnh rỗi.
	Trên đây là một vài suy nghĩ của cá nhân tôi cho nên tôi rất mong được sự góp ý, chia sẻ, thông cảm và giúp đỡ nhiều hơn nữa của phòng Giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường, của chuyên môn, tổ trưởng và của tất cả các đồng nghiệp để tôi ngày một lớn hơn, trưởng thành hơn, tiến bộ hơn trong sự nghiệp trồng người.

Tài liệu đính kèm:

  • docsang kien kinh nghiem ngu van 9.doc