Đề tài Rèn đọc cho học sinh lớp 6 ở trường dân tộc nội trú

Đề tài Rèn đọc cho học sinh lớp 6 ở trường dân tộc nội trú

Năm học 2007 – 2008, năm học mà toàn ngành giáo dục nước nhà đang tiếp tục quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động Hai không với bốn nội dung của Bộ Giáo dục – Đào tạo; không nằm ngoài cuộc vận động đó, Sở Giáo dục – Đào tạo Quảng Trị đã sớm chỉ đạo toàn thể các đơn vị thực hiện tốt chủ trương của ngành.

Ngay từ đầu năm học, lãnh đạo trường PTDT Nội trú Gio Linh đã sớm triển khai các công văn hướng dẫn, giúp mỗi một cán bộ giáo viên – công nhân viên trong đơn vị ý thức sâu sắc và đầy đủ hơn vai trò, nhiệm vụ của mình trong năm học mới. Chính vì vậy, ngay từ đầu, bản thân tôi cũng như tất cả anh chị em đồng nghiệp trong trường đã xác định rất rõ những nhiệm vụ trọng tâm mà mình phải thực hiện và hoàn thành tốt trong năm học này.

 

doc 7 trang Người đăng linhlam94 Lượt xem 602Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Rèn đọc cho học sinh lớp 6 ở trường dân tộc nội trú", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
	I. CƠ SỞ KHOA HỌC - THỰC TIỄN:
	Năm học 2007 – 2008, năm học mà toàn ngành giáo dục nước nhà đang tiếp tục quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động Hai không với bốn nội dung của Bộ Giáo dục – Đào tạo; không nằm ngoài cuộc vận động đó, Sở Giáo dục – Đào tạo Quảng Trị đã sớm chỉ đạo toàn thể các đơn vị thực hiện tốt chủ trương của ngành.
Ngay từ đầu năm học, lãnh đạo trường PTDT Nội trú Gio Linh đã sớm triển khai các công văn hướng dẫn, giúp mỗi một cán bộ giáo viên – công nhân viên trong đơn vị ý thức sâu sắc và đầy đủ hơn vai trò, nhiệm vụ của mình trong năm học mới. Chính vì vậy, ngay từ đầu, bản thân tôi cũng như tất cả anh chị em đồng nghiệp trong trường đã xác định rất rõ những nhiệm vụ trọng tâm mà mình phải thực hiện và hoàn thành tốt trong năm học này.
Là một cán bộ giáo viên đã nhiều năm công tác tại Trường PTDT Nội trú Gio Linh, bản thân tôi càng ý thức sâu hơn nhiệm vụ nặng nề của mình để góp phần thực hiện tốt chủ trương của ngành, của đơn vị.Trong năm học này, tôi được lãnh đạo, chuyên môn nhà trường tin tưởng giao cho dạy môn Ngữ văn ở khối lớp 6. Có thể nói, ở trường chúng tôi, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, có nhiều trở ngại, mà có lẽ khó khăn, trở ngại lớn nhất là trình độ của các em.
Đã từ nhiều năm nay, vấn đề đọc, viết của các em học sinh trường PTDT Nội Trú, đặc biệt là các em học sinh lớp 6 mới tuyển về trường luôn là một bài toán rất khó tìm được lời giải hoàn hảo cho những người trực tiếp giảng dạy như chúng ta. Thông thường, khoá nào tuyển học sinh lớp 5 vào với số lượng càng đông thì chất lượng đại trà lại càng giảm, ngược lại, nếu tuyển đầu vào có sự lựa chọn thì chất lượng học sinh có cao hơn.
	Thực tế cho thấy, năm học 2007- 2008, 50 em học sinh được tuyển từ học sinh lớp 5 ở hai xã Linh Thượng, Vĩnh Trường về học lớp 6, chất lượng văn hoá rất hạn chế; đặc biệt là 25 em đã được lọc lại ở lớp 6A như chúng ta đã biết. Theo khảo sát đầu năm, chỉ có khoảng 8/50 em tạm đủ kiến thức theo học lớp 6, 8/50 em khác đủ trình độ học lớp5, 15/50 em đủ kiến thức học lớp 3,4; còn lại 10/50 em dừng lại ở chương trình lớp 2; 5/50 em học lớp 1 và đặc biệt có 4/50 em đang phải tạm xếp ở chương trình mầm non( đọc Bảng chữ cái chưa thành thạo, thậm chí còn chưa biết nhận mặt chữ).Thiết nghĩ, đây là một thực tế không thể tồn tại lâu dài trong một trường THCS bởi như thế thì học sinh không thể có đủ trình độ và năng lực để tiếp thu, lĩnh hội kiến thức những môn học trong khung chương trình của Bộ đã qui định. Các em đọc, viết còn chưa được thì làm sao chúng ta dám đề cập đến chuyện nghe và hiểu bài giảng của giáo viên.	
	Trước tình hình đó, là một giáo viên Ngữ văn, đã trực tiếp giảng dạy mười năm tại trường Nội trú, bản thân tôi đã không ít lần băn khoăn suy nghĩ: Mình phải làm thế nào để học sinh có thể học tốt hơn? Chúng ta cần phải làm gì để giúp các em dần thoát khỏi tình trạng trên? Sau nhiều lần giảng dạy, sau những buổi chuyên đề, đặc biệt là sau các đợt tập huấn thay sách giáo khoa, sau các đợt bồi dưỡng thường xuyên, khi đã được tiếp thu quan điểm đổi mới về Sách giáo khoa, về phương pháp giảng dạy của toàn ngành nói chung, tôi đã tự tìm hiểu và xây dựng được cho mình phương pháp dạy tập đọc cho học sinh của mình nhằm giúp các em dần dần đọc thông viết thạo để có thể tiếp thu những nội dung của các bài học một cách tốt hơn.
 	II. NỘI DUNG:
	Giảng dạy tại một trường Nội trú, đối tượng chính của tôi là học sinh con em dân tộc Vân Kiều, những người con của đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã Linh Thượng, Vĩnh Trường của Huyện Gio Linh. Từ nhỏ đã phải vất vả với những thiếu thốn của cuộc sống, điều kiện kinh tế khó khăn nên các em phải chịu nhiều thiệt thòi, không được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo như những em học sinh cùng lứa tuổi ở đồng bằng. Chính vì vậy, khả năng tư duy, tiếp thu và ghi nhớ của các em còn nhiều hạn chế. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, hiện tượng ngồi nhầm lớp vẫn chưa được khắc phục triệt để nên mặc dù đã lên đến lớp 6 nhưng nhiều em vẫn chưa đọc thông viết thạo. Quả thực, các em gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc tiếp thu, lĩnh hội kiến thức. Vì vậy, sau nhiều thời gian băn khoăn, trăn trở tôi đã mạnh dạn dạy các em theo những bước như sau:
	A. Tập đọc đơn giản:
	1. Tập ghép vần:
	Đưa bảng chữ cái, hướng dẫn học sinh đọc, sau đó yêu cầu các em tập ghép các vần, hướng dẫn học sinh đọc, viết theo các vần vừa ghép được từ đơn giản đến phức tạp:
	2. Tập ghép tiếng:
	Sau khi ghép được vần, hướng dẫn học sinh tập ghép các tiếng theo trình tự từ dễ đến khó.
	3. Tập ghép tiếng có phân biệt dấu:
	Giáo viên đưa bảng các loại dấu thanh trong Tiếng Việt, giúp học sinh phân biệt đúng các loại dấu cũng như cách phát âm của chúng; đồng thời hướng dẫn các em nhận biết trong trường hợp nào nên dùng loại dấu nào cho thích hợp.
	4. Tập đọc một đoạn thơ:
	Giáo viên chon một đoạn thơ, sau đó hướng dẫn học sinh đọc đúng dấu, đúng chính tả, bước đầu tập đọc diễn cảm.
	5. Tập đọc một đoạn văn:
	Hướng dẫn học sinh tập đọc đúng dấu, nghĩ đúng ở những vị trí có các dấu, đồng thời tập cho các em hình thành thói quen và kĩ năng nghỉ lấy hơi đúng theo chức năng của các dấu.
	B. Tập đọc các văn bản ở Sách giáo khoa Ngữ văn: 	 	
Là một giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn tại trường PTDTNT Gio Linh, đối tượng chính của tôi là học sinh con em dân tộc Vân Kiều, những người trực tiếp tham gia lao động, sản xuất ra của cải vật chất, bản thân các em nhiều khi cũng phải dành nhiều thời gian giúp gia đình tăng gia sản xuất, thời gian đầu tư cho học tập đôi khi cũng bị hạn chế, mặt khác, khả năng tiếp thu, ghi nhớ của các em cũng có lúc hạn chế, thậm chí có em, bảng chữ cái Tiếng Việt còn sử dụng chưa thành thạo, đọc viết chưa được nên khi tiếp xúc với các văn bản Văn học, đặc biệt là các văn bản Văn học thời Trung đại có nhiều từ Hán Việt, nhiều từ cổ, các em gặp rất nhiều khó khăn trong việc hiểu nghĩa, ghi nhớ từ và cảm nhận được những giá trị về nội dung và nghệ thuật của văn bản . Vì vậy, tôi đã tiến hành dạy các em tập đọc theo các bước như sau:
	1. Giúp học sinh đọc được mặt chữ trên văn bản:
	Trước hết cần giúp học sinh đọc được văn bản một cách sơ lược nhất, cố gắng phân biệt được các loại dấu khác nhau ở mỗi tiếng, từ. Cần giúp học sinh có ý thức tự tập đọc đạt yêu cầu.
	2. Giúp học sinh nắm nghĩa của các tiếng, từ trong văn bản:
 Ngữ pháp Tiếng Việt rất khó, đặc biệt là đối với các em học sinh là người dân tộc thiểu số nên sau khi học sinh đọc được thì chúng ta cần phải giúp các em nắm được nghĩa của từ, có thể đó chỉ mới là những nét nghĩa sơ lược nhất nhưng nó cũng sẽ giúp các em rất nhiều trong các khâu tiếp theo trong quá trình tiếp thu, lĩnh hội kiến thức. Đây là một công đoạn gặp nhiều khó khăn trở ngại, các em học lâu nhớ lại nhanh quên nên cần tăng cường hướng dẫn các em học theo nhóm để có thể khắc sâu những kiến thức đã học.
	Như vậy, thực tế các em dễ nắm bài, dễ ghi nhớ, và khi tái hiện, sử dụng cũng có phần thuận tiện hơn. Sau khi mỗi em đã nắm được bài, tôi lại tiếp tục tổ chức cho các em trao đổi qua lại theo nhóm nhỏ trong lớp, cùng thi đua tái hiện các từ cùng với nghĩa của nó. Cách làm này giúp các em ghi nhớ sâu hơn và rèn luyện ngôn ngữ được nhanh hơn. Bên cạnh đó, tôi còn thường xuyên khuyến khích các em tìm hiểu nhằm mở rông thêm vốn từ của mình bằng cách sử dụng từ điển . Với cách làm này các em hiểu nghĩa của từ nhanh hơn và nhiều hơn.
	3. Giúp học sinh tập đọc diễn cảm và tiến tới đọc hiểu văn bản:
	Sau khi học sinh nắm được nghĩa của các tiếng, từ trong văn bản, ta cần giúp các em hiểu về nội dung, nghệ thuật văn bản trong tổng thể của nó. Một điều khó ở đây là ngôn ngữ Tiếng Việt của ta rất đa nghĩa; bởi vậy việc giúp cho học sinh hiểu đúng nghĩa của từ trong ngữ cảnh quả là một vấn đề không dễ. Nhiệm vụ của chúng ta là cần giúp học sinh nhận thức rõ điều này để khi vận dụng phân tích, tìm hiểu văn bản cũng như trong giao tiếp không bị bất ngờ và lúng túng.
	Khâu cuối cùng trong rèn đọc là hướng dẫn học sinh biết đọc diễn cảm và tiến tới đọc hiểu văn bản. Khi thực hiện bước này, các em cần biết và hiểu được sắc thái biểu cảm của từ ngữ trong văn bản thì mới tránh khỏi những sai lầm không đáng có. Trên cơ sở đó mới có thể phân tích nội dung và nghệ thuật của văn bản một cách chính xác trong tổng thể của nó; mới có thể hiểu và cảm thụ được các thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc qua mỗi văn bản. Thông thường những việc làm này tốn rất nhiều thời gian, trong một tiết học 45 phút thì không thể nào thực hiện được nên tôi chỉ có thể dạy vào các buổi được phân công phụ đạo cho học sinh hoặc những lúc ngoài giờ chính khoá mà thôi.
	III. KẾT QUẢ:
	Qua thực tế, với cách làm này, tôi thấy học sinh đọc được tốt hơn, nhớ nhiều và biết sử dụng từ ngữ Tiếng Việt tốt hơn. Hiện nay ở lớp tôi đang giảng dạy, sau các bài học, các em đã có một lượng ngôn ngữ Tiếng Việt khá lớn. Nhiều em khi gặp các từ khó trong bài học đã hiểu nhanh hơn và vận dụng cũng tốt hơn. Trong giao tiếp hàng ngày, các em cũng đã sử dụng từ ngữ thành thạo và hiểu nó đúng nghĩa hơn. Đây là một kết quả chưa lớn lắm nhưng lại là một điều kiện rất cần thiết để các em dễ dàng hơn trong việc tiếp thu các bài học khác của chương trình phổ thông.
	Với phương pháp dạy học như trên, kết quả kiểm tra thực tế của các em cũng được nâng lên nhiều. So với đầu năm học , chất lượng cuối năm của các em cũng được nâng lên đáng kể. Tôi đã tiến hành đối chiếu, so sánh và kết quả cụ thể như sau:
 Giỏi
 Khá
Trung bình
 Yếu
 Kém
Đầu năm học
0 %
16 %
46 %
20%
18%
Cuối năm học
2%
26%
54%
14%
2%
Rõ ràng, cách làm này đã góp phần cùng với những giải pháp tích cực khác giúp cho trình độ của học sinh được nâng lên rất nhiều, chất lượng mũi nhọn cũng được nâng lên và lượng học sinh yếu kém cũng đã giảm xuống rõ rệt.
 IV.BÀI HỌC KINH NGHIỆM :
	Qua quá trình giảng dạy, với những biện pháp đã thực hiện, tôi thấy có thể rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm như sau:
- Với học sinh là con em người lao động nghèo, chúng ta phải biết yêu thương, quan tâm đến các em, giáo viên phải tự đặt mình vào vị trí người học, phải thử tư duy và vận dụng kiến thức Từ đó, có biện pháp bổ sung kịp thời cho những em còn thiếu hụt kiến thức lí thuyết, hướng dẫn các em vận dụng vào làm bài tập.
- Trong khi giảng dạy cũng như sau mỗi bài học đều phải tự hỏi mình và hỏi học sinh xem các em có nắm được kiến thức không? Còn có những chỗ nào chưa hiểu? Đã có thể vận dụng được kiến thức nào để làm bài tập? Đối tượng nào có thể chưa hiểu bài? Từ đó có hướng điều chỉnh thích hợp hơn.
- Giáo viên phải luôn chú ý đến việc hướng dẫn học sinh học ở nhà với bài tập và bài mới. Tuỳ theo bài cụ thể để hướng dẫn thích hợp, đặc biệt vói môn Ngữ văn thì phải lưu ý hướng dẫn học sinh tham khảo tài liệu nào, cần tìm hiểu them ở sách nào để các em có thể chủ động kiến thức trước giờ lên lớp.
- Khi học từ ngữ, phải biết ghi nhớ, so sánh đối chiếu, mở rộng để hiểu rõ hơn. Phải biết đặt nó vào trong ngữ cảnh để hiểu đúng hơn, sâu sắc hơn. Trên cơ sở đó, vận dụng linh hoạt hơn, hiệu quả hơn.
Dạy rèn đọc trong chương trình phổ thông cỏ sở là một việc làm khó vì không có thời gian. Việc dạy rèn đọc cũng đã được một số giáo viên trong nhà trường để ý tới nhưng quả thật, rèn đọc cho học sinh nội trú như thế nào cho tốt thì hầu như chưa được khả quan. Xuất phát từ nhiệm vụ của mình, trải qua thực tế giảng dạy, bản thân tôi chỉ xin đưa ra những ý kiến nhỏ của mình - bài viết quả thật còn đơn giản và có thể chưa đề cập đến vấn đề một cách toàn diện. Vì vậy, tôi rất mong nhận được sự góp ý giúp đỡ của các đồng chí đồng nghiệp để bài viết được sâu sắc và đầy đủ hơn. Tôi xin trân trọng cám ơn./.
	 Gio Linh, ngày tháng năm 2008.
	Người viết:
Trần Thị Kim Liên. 

Tài liệu đính kèm:

  • docSKKN(6).doc