Đề tài Cách tổ chức cho học sinh hoạt động để phát triển kỹ năng nói qua môn Ngữ văn ở trường THCS

Đề tài Cách tổ chức cho học sinh hoạt động để phát triển kỹ năng nói qua môn Ngữ văn ở trường THCS

Dạy học theo quan điểm giao tiếp là một trong những tư tưởng quan trọng của chiến lược dạy học các môn ngôn ngữ ở trường phổ thông. Hiện nay các nước trên thế giới rất coi trọng quan điểm này, lấy hoạt động giao tiếp là một trong những căn cứ để hình thành và phát triển các hoạt động ngôn ngữ mà cụ thể là năng lực nghe - nói - đọc - viết cho người học.

 

doc 12 trang Người đăng linhlam94 Lượt xem 711Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Cách tổ chức cho học sinh hoạt động để phát triển kỹ năng nói qua môn Ngữ văn ở trường THCS", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. Đặt vấn đề
 Dạy học theo quan điểm giao tiếp là một trong những tư tưởng quan trọng của chiến lược dạy học các môn ngôn ngữ ở trường phổ thông. Hiện nay các nước trên thế giới rất coi trọng quan điểm này, lấy hoạt động giao tiếp là một trong những căn cứ để hình thành và phát triển các hoạt động ngôn ngữ mà cụ thể là năng lực nghe - nói - đọc - viết cho người học.
Trong thực tiễn dạy học môn Tiếng Việt và Văn học trước đây, môn Ngữ văn hiện nay, không phải khi nào cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều được chú trọng rèn luyện và phát triển đồng thời. Thông thường người biên soạn sách và người dạy lại quá chú trọng vào việc dạy các tri thức Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn mà bỏ qua việc phát triển cho học sinh những kỹ năng, nghe, nói, đọc, viết trong những tình huống giao tiếp sinh động và gần gũi với cuộc sống sinh hoạt của các em. Hoặc cũng có nhiều giáo viên quá chú trọng đến đọc diễn cảm, đọc hiểu, hay quá chú trọng đến viết mà bỏ qua kỹ năng nghe, nói. Có một thực tế là nhiều thế hệ học sinh khi ra trường không biết lắng nghe và thấu hiểu, không biết nói ra những điều mình nghĩ, không truyền đạt được chính xác một thông tin hoặc không nói đúng theo những nguyên tắc giao tiếp, không biết viết những văn bản tối thiểu phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, không biết cách đọc, hiểu chính xác về một văn bản
Từ thực tiễn giảng dạy theo chương trình SGK cũ và chương trình SGK mới cải cách, tôi nhận thấy rằng một trong những điểm mới của SGK ngữ văn hiện nay là đã chú trọng hơn đến việc hình thành và phát triển kỹ năng nói. Qua ba năm giảng dạy và thực nghiệm với chương trình giáo khoa mới, tôi đã thực hiện được việc “Rèn luyện kỹ năng nói trong chương trình Ngữ văn THCS” và kết quả bước đầu khá thành công. Vì vậy tôi mạnh dạn đưa ra kinh nghiệm “Cách tổ chức cho học sinh hoạt động để phát triển kỹ năng nói qua môn Ngữ văn ở trường THCS”. Đây có thể cũng là vấn đề mà nhiều giáo viên dạy môn Văn đang quan tâm, trăn trở, nhất là trong khi chúng ta thực hiện đổi mới phương pháp dạy học.
B. Giải quyết vấn đề
I. Điều tra thực trạng :
Để tăng tính thực hành ứng dụng cho chương trình Ngữ văn đối với học sinh THCS và khắc phục hạn chế quá chú trọng đến đọc - viết hơn nghe - nói của chương trình và SGK cải cách giáo dục, SGK Ngữ văn THCS mới đã bố trí mỗi học kỳ 2 tiết luyện nói gắn với từng kiểu bài văn bản tạo lập trong chương trình. Mục đích của các giờ học này là tiếp tục rèn luyện cho học sinh kỹ năng nói trước tập thể về kiểu bài văn vừa được học và thể hiện suy nghĩ cá nhân về những vấn đề gần gũi, thiết thực với cuộc sống hàng ngày. Cụ thể là :
* Lớp 6 :
- Luyện nói kể chuyện (bài 7, bài 10)
- Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn bản miêu tả (bài 20).
- Luyện nói về văn miêu tả (bài 23)
* Lớp 7 :
- Luyện nói về văn biểu cảm (bài 10, bài 13)
- Luyện nói bài văn giải thích một vấn đề (bài 26)
* Lớp 8 :
- Luyện nói về kể chuyện theo ngôi kể kết hợp với miêu tả biểu cảm (bài 10)
- Luyện nói về văn thuyết minh (bài 14)
* Lớp 9 :
- Luyện nói tự sự kết hợp với nghị luận và miêu tả nội tâm (bài 14)
- Luyện nói văn nghị luận : nghị luận về một đoạn thơ (bài 27)
Thực tế qua trao đổi, tôi thấy rằng tâm lý chung của các giáo viên Ngữ văn là ngại dạy các giờ luyện nói. Nguyên nhân cơ bản có lẽ do mâu thuẫn giữa thời gian luyện nói có hạn (45 phút) mà yêu cầu luyện tập thì không đơn giản. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân tương đối quan trọng như : Học sinh chưa có kỹ năng nói trước tập thể, lớp học chưa được thiết kế cho những giờ học kiểu 
đối thoại, đàm thoại, thảo luận. Số lượng học sinh trong một lớp quá nhiều, giáo viên lúng túng khi tổ chức một giờ luyện nói, những vấn đề lý thuyết cũng như đúc kết thực tiễn về dạy kỹ năng nói trong nhà trường phổ thông chưa được nghiên cứu và phổ biến tới giáo viên đứng lớp, vì vậy việc luyện nói trong nhà trường hiện nay có những thuận lợi và khó khăn sau:
1) Thuận lợi :
- Học sinh THCS đã có vốn từ vựng phong phú, năng lực giao tiếp tốt.
- Học sinh THCS đã được học tập và rèn luyện nhiều về các kiến thức và kỹ năng nói qua chương trình Tiếng Việt tiểu học và chính trong chương trình Ngữ văm THCS.
2) Khó khăn :
- Kinh nghiệm rèn luyện kỹ năng nói cho học sinh chưa nhiều so với việc rèn luyện kỹ năng viết.
- Học sinh chưa chủ động và tự tin khi nói trước đông người.
- Lớp học quá đông, thời gian một tiết học quá ngắn, khó tạo điều kiện cho tất cả các học sinh đều được nói.
- Hệ thống bài tập rèn luyện và phát triển kỹ năng nói trong chương trình chưa phong phú, đa dạng.
- Số tiết luyện nói so với tổng thời lượng dạy học môn Ngữ văn chưa nhiều.
- Sách giáo viên chưa có định hướng giúp giáo viên chú trọng rèn luyện và phát triển kỹ năng nói qua từng giờ học.
II. Phương pháp nghiên cứu :
1) Phương pháp khảo sát :
- Khảo sát thực trạng dạy học.
2) Phương pháp phân tích, tổng hợp :
- Đọc, nghiên cứu sách giáo khoa và một số tài liệu, khái quát thành một số nhận định và luận điểm chung.
3) Phương pháp thực nghiệm :
- Hướng dẫn, thực nghiệm với các đối tượng học sinh lớp 7 tại trường nơi công tác.
III. Những công việc đã làm:
1) Những yêu cầu mang tính bắt buộc để phát triển kỹ năng nói trong môn Ngữ văn:
Để làm tốt việc rèn luyện và phát triển kỹ năng nói, ngoài những yêu cầu cụ thể về nội dung của mỗi giờ luyện nói trong chương trình vẫn là rèn cho học sinh có kỹ năng nói tiếng Việt tự tin, thành thạo, chính vì thế khi tiến hành các giờ luyện nói, giáo viên cần hướng học sinh tuân thủ theo những yêu cầu sau:
- Phải nói theo dàn bài đã được chuẩn bị trước.(dàn bài ngắn gọn, bám sát yêu cầu của đề bài, nêu được các ý chính).
- Tránh nói vo, tránh đọc lại hoặc học thuộc lòng để đọc lại bài văn chi tiết đã có trước (bài mẫu).
- Giọng nói rõ ràng, cao độ vừa phải, đúng chuẩn ngữ âm, truyền cảm và thuyết phục người nghe (biết lên bổng xuống trầm hoặc thể hiện cảm xúc chân thành, tự nhiên, không gò bó, áp đặt).
- Tác phong tự nhiên, tự chủ, phản xạ ngôn ngữ nhanh nhạy.
- Không nói ra ngoài những gì mà đề bài yêu cầu.
2) Cách tổ chức cho học sinh hoạt động để phát triển kỹ năng nói qua môn Ngữ văn ở THCS.
2.1) Rèn luyện qua các tiết luyện nói trong chương trình:
Để nâng cao chất lượng các giờ luyện nói, giáo viên cần linh hoạt vận dụng các hình thức đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động học tập của người học, vận dụng sáng tạo lý thuyết giao tiếp vào dạy các giờ luyện nói.
a) Giúp học sinh chuẩn bị tốt nội dung bài nói để các em hình dung được mình sẽ nói cái gì (xác định đề tài), nói với ai (xác định đối tượng giao tiếp), nói trong hoàn cảnh nào (xác định hoàn cảnh giao tiếp), nói để làm gì (xác định mục đích giao tiếp), nói như thế nào (cách thức giao tiếp để thuyết phục người nghe).
b) Tạo cho học sinh các nhu cầu muốn nói, muốn được bộc lộ. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng tương đối khó thực hiện trong nhà trường hiện nay bởi đa số học sinh rất ngại nói hoặc không tự tin khi nói trước đông người mặc dù trong giờ chơi, trong cuộc sống các em nói năng lưu loát. Vì thế trong quá trình luyện nói, người giáo viên phải tạo ra được những tình huống giả định tương đối gần gũi với cuộc sống thường ngày của học sinh để học sinh có thể nói được và có nhu cầu muốn nói về vấn đề mà các em đã quen thuộc.
c) Tạo cho học sinh hoàn cảnh giao tiếp thuận lợi trong giờ luyện nói như: không khí hào hứng của lớp học, thái độ dễ hợp tác của những người cùng tham gia giao tiếp, sự động viên khuyến khích kịp thời của giáo viên.
* Minh hoạ ở tiết luyện nói số 1
 (SGK ngữ văn 7 - tập I)
Tuần 10. Bài 10
Tiết 40 . Tập làm văn Luyện nói văn biểu cảm về sự vật, con người
A. Kết quả cần đạt
- Học sinh nói được theo chủ đề biểu cảm.
- Rèn kỹ năng tìm ý, lập dàn ý.
B. Các bước tiến hành tổ chức để phát triển kỹ năng nói qua tiết luyện nói số 1 (Chỉ nêu các bước chính)
Bước 1 : Hướng dẫn học sinh chuẩn bị
+ Phân nhóm : Chia học sinh thành 4 nhóm (có thể ứng với 4 tổ trong lớp).
+ Yêu cầu, nhiệm vụ : Mỗi nhóm chuẩn bị một đề bài, trao đổi, thảo luận, hình thành dàn ý bài nói (trên cơ sở chuẩn bị bài ở nhà- Giáo viên đã hướng dẫn ở cuối tiết học trước). Học sinh tập nói từng phần, đoạn trong nhóm, cử đại diện nói trước lớp.
- Nhóm 1 : Thực hiện đề số 1
Cảm nghĩ về thày, cô giáo, những “người lái đò” đưa thế hệ trẻ “cập bến tương lai”.
- Nhóm 2 : Thực hiện đề số 2
“Cảm nghĩ về tình bạn”
- Nhóm 3 : Thực hiện đề số 3
“Cảm nghĩ về sách vở mình đọc và học hàng ngày”
- Nhóm 4 : Thực hiện đề số 4
“Cảm nghĩ về món quà mà em đã được nhận thời thơ ấu”
* Học sinh có thể dễ dàng viết và nói nếu như giáo viên có thể mở rộng phạm vi đề bài hơn hoặc thu gọn phạm vi đề bài lại ở một đối tượng cụ thể. Vì vậy ở tiết luyện nói này, ứng với 4 đề bài trên, giáo viên có thể cho học sinh lựa chọn thêm 4 đề bài tương ứng sau để các em lựa chọn và thực hiện:
- Đề 1b : Cảm nghĩ về một người thày(cô) giáo đã để lại cho em một kỷ niệm sâu sắc nhất trong những ngày đi học.
- Đề 2b : Cảm nghĩ về một tấm gương người bạn học giỏi, vượt khó.
- Đề 3b : Cảm nghĩ về một cuốn sách hay em được đọc và khiến em nhớ mãi (hoặc một lần em tập viết bài gửi báo).
- Đề 4b : Cảm nghĩ của em về một món quà, bánh tuổi thơ.
* Giáo viên gợi ý, bài mẫu :
A. Mẫu chung của bài nói :
I/ Mở đầu :
Kính thưa thày (cô) giáo và các bạn!
Tất cả những ai đã từng cắp sách tới trường đều có những kỷ niệm sâu sắc về mái trường, thày cô, bạn bèMột trong những kỷ niệm sâu sắc nhất để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm là
II/ Nội dung cụ thể của câu chuyện, kỷ niệm
III/ Kết thúc :
 Em xin được ngừng lời ở đây. Cảm ơn thày (cô) và các bạn đã chú ý lắng nghe!
B. Mẫu riêng của phần II cho từng đề :
- Giáo viên minh hoạ trên máy chiếu hoặc bảng phụ để học sinh tham khảo. (Chỉ đưa ra ý chính của một bài nói).
* Đề 1 (hoặc 1b) :
- ý 1 : Ngạn ngữ phương Tây có câu : “Mọi thiên tài đều bắt đầu từ chữ A”. Có nghĩa là ai cũng bắt đầu tự sự học tập của mình từ việc đánh vần các chữ cái A,B,C Nghĩa rộng hơn : Bắt đầu từ những kiến thức sơ đẳng nhất để rồi sau đó mới học lên thành tài. Trong những ngày đầu bỡ ngỡ ấy em đã được thày cô giúp đỡ tận tình, em không bao giờ quên lời nhắc nhở của cô giáo từ ngày ấy: “Nét chữ, nét người”.
- ý 2 : Trong những năm qua em đã được học rất nhiều thày cô giáo. Mỗi thày, cô có một vẻ nhưng đều giống nhau nơi phẩm chất tận tuỵ với công việc dạy chữ, dạy người. Vì vậy mà em luôn kính trọng và biết ơn các thày cô giáo.
- ý 3 : Kỷ niệm sâu sắc nhất của em là một lần em không thuộc bài, bị cô giáo Liên cho điểm kém. Hết buổi học, em lo lắng không dám về nhà, phần vì buồn bã, phần vì xấu hổ. Thế nhưng khi về đến nhà thì đã  ... ang tất tưởi thu dọn bát đĩa...
- ý 4 : Sau lần tận mắt chứng kiến Hiền phải lao động vất vả để kiếm sống mà vẫn cố gắng học giỏi, em tự thấy mình có lỗi với bố mẹ, với thày cô và với cả bạn Hiền. Giờ đây, bạn ấy không chỉ là một tấm gương cho em noi theo mà còn là một trong những người bạn thân nhất của em.
* Đề 3 (hoặc 3b)
- ý 1 : Em rất thích đọc báo Thiếu niên Tiền phong. Bởi vì ở đó có những mẩu chuyện giống như nhiều chuyện thường xảy ra ở lớp em. Vì yêu thích tờ báo nên em cứ ao ước giá mình viết được một mẩu chuyện đăng báo thì thú vị biết mấy! Thế là em hì hục tập viết.
- ý 2 : Mẩu chuyện đầu tiên em kể về bạn Hoàng nhặt được của rơi nhưng đem trả người đánh mất. Gửi bài đi rồi, em thấp thỏm chờ đợi. Lâu quá không thấy báo đăng, em lại viết tiếp mẩu chuyện thứ hai kể về tấm gương bạn Hiền vượt khó, học giỏi. Chờ mãi báo cũng không đăng
- ý 3 : Rất lâu sau, em lại cầm bút, lại tiếp tục viết. Lần này em viết về tình cảm của mình đối với bạn Hải. Mẹ bạn Hải chẳng may mất sớm. Có lẽ vì thế nên đôi mắt bạn Hải lúc nào cũng ngơ ngác buồn. Kết quả học tập của Hải cũng thất thường. Có những buổi chiều em sang chơi thì thấy bạn cứ ngồi im lặng ở cửa như đang ngóng đợi một ai đó. Em hỏi, bạn khẽ trả lời. “Tớ đợi bố tớ”. Bố bạn Hải thường về muộn và ngày càng về muộn. Có khi đến đêm mới về. Em 
hỏi mẹ: “Sao bố bạn Hải hay về muộn thế mẹ nhỉ?”. Mẹ ôm em vào lòng, thở dài : “Bạn ấy có lẽ sắp có mẹ kế, con ạ!”. Em ôm chặt cổ mẹ, thì thào trong nỗi lo lắng, mơ hồ không hiểu từ đâu dấy lên :
- Mẹ ơi! Mẹ đừng ốm, mẹ nhé!
Hình như mẹ cũng khóc.
- ý 4 : Ba tuần sau, em được tin có bài đăng báo. Tiết sinh hoạt, cô giáo đọc mẩu chuyện của em được đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong cho các bạn cùng nghe. Cả lớp hướng ánh mắt về phía Hải. Tất cả đều có chung một ý nghĩ : Phải giúp đỡ bạn Hải học tập tốt hơn.
- ý 5 : Thế là em đã đạt được ước mơ. Nhưng lớn hơn cả ước mơ là em cảm thấy mình đã lớn, làm được một việc có ích để bài tỏ tình cảm chân thành đối với bạn Hải.
* Đề 4 (hoặc 4b)
- ý 1 : Có một nhà văn đã viết : “Một mảng kỷ niệm lớn của đứa trẻ là món ăn - đặc biệt là cái thứ mà người dân Bắc gọi là quà bánhGọi là món ăn, nhưng thực chất là món ăn tinh thần. Bởi người ta ăn ngon chủ yếu là do kỷ niệm. Những món ăn thủa nhỏ là những thứ ngon nhất còn lại cả đời người”. Điều đó quả thật rất đúng với tôi.
- ý 2 : Các bạn tôi ai cũng thích ăn quà, mỗi đứa thích một kiểu. Riêng tôi rất thích ô mai gừng. ôi những quả ô mai nâu, mềm nằm cùng những miếng gừng đã được nghiền nhỏ mới hấp dẫn làm sau. Vai đeo cặp, đi bộ trên đường tới trường hay tan học trở về nhà có ô mai gừng làm bạn, đường đi như ngắn lại.
- ý 3 : Cảm giác khi quả ô mai vào miệng rồi, không thể diễn tả hết cái ngon của nó: Vừa chua, vừa ngọt, vừa cay, vừa thơm. Thích nữa là khi nhìn bọn bạn tôi, mắt chúng sáng rực lên khi tôi xoè gói ô mai . Mỗi đứa nhón một quả, có đứa lại chỉ thích tí gừng, vừa ăn vừa chèm chẹp miệng “ngon ngon, thơm thơm”
- ý 4 : Tôi thường tiết kiệm tiền quà sáng để dành mua ô mai gừng. Năm trăm, một nghìn, chỉ thế thôi là chúng tôi lại có ô mai. Kỷ niệm và tình bạn gắn 
liền với món quà học sinh giản dị mà “cảm giác ngon của nó lưu lại cả đời người”
Bước 2 : Hướng dẫn tập nói trên lớp :
- Giáo viên dựa vào gợi ý A, B trong bước 1, yêu cầu 4 đại diện của 4 nhóm lên trình bày bài nói của mình, các bạn bổ sung, góp ý. (ước lượng thời gian để gọi số học sinh khác tham gia nói).
- Giáo viên chốt :
1) Muốn người nghe hiểu thì người nói phải lập ý và trình bày theo thứ tự ý1, ý2, ý 3. ý 4, ý 5
2) Muốn truyền được cảm xúc cho người nghe thì :
- Tình cảm phải chân thành.
- Từ ngữ phải chính xác, trong sáng.
- Bài nói phải mạch lạc và đảm bảo tính liên kết chặt chẽ.
Bước 3 : Hướng dẫn luyện tập ở nhà:
- Học sinh chọn 1 trong 4 đề viết thành bài văn hoàn chỉnh.
* Lưu ý khi thực hiện (đối với giáo viên).
- Tiết luỵên nói thực chất là tiết luyện tập về tạo lập văn bản với mục tiêu chính là rèn luyện kỹ năng nói theo chủ đề. Vì vậy, giáo viên cần có bước luyện tập bằng văn bản mẫu. Từ văn bản mẫu (nói hoặc viết) học sinh sẽ được truyền hứng thú và có định hướng để thực hiện bài văn nói hoặc viết. Đó cũng là mục đích cuối cùng của dạy học Tập làm văn. Quá trình này được thể hiện trên sơ đồ sau :
 Đề bài Dàn bài Văn bản sáng tạo
 Văn bản mẫu Dàn bài Văn bản sáng tạo
 Cách thức luyện tập Bước bắt buộc Mục đích dạy học tập làm văn
* Chú thích : Mũi tên hai chiều biểu thị mối quan hệ tương tác giữa quá trình luyện tập và kết quả luyện tập.
2.2 Rèn qua các tiết học ngữ văn (không phải tiết luyện nói) trong chương trình :
Với mục đích nâng cao tính ứng dụng trong quá trình học tập môn Ngữ văn trong nhà trường, nhằm giúp học sinh có thể nói và giao tiếp tốt, việc luyện nói cho học sinh cần được tiến hành thường xuyên trong các giờ học Ngữ văn và phải được rèn luyện kết hợp với các kỹ năng khác. Hiệu quả của việc luyện nói sẽ cao hơn nếu giáo viên quan tâm hơn tới việc luyện nói cho học sinh mỗi khi các em có điều kiện phát biểu miệng trong các giờ học.
a) Rèn cho các em phải suy nghĩ kỹ trước khi nói, nói đúng vấn đề cần trao đổi, khi nói cần bình tĩnh, tự tin, nói theo đúng nghi thức và tuân thủ các nguyên tắc hội thoại, biết vận dụng các yếu tố phi ngôn ngữ để lời nói thêm thuyết phục
b) Giáo viên chú trọng tạo điều kiện cho học sinh được bộc lộ những suy nghĩ cá nhân, biết chấp nhận có phê phán ý kiến của cá nhân học sinh đồng thời với việc rèn luyện năng lực nói và trình bày lưu loát, diễn cảm những suy nghĩ, tình cảm của các em. Các câu hỏi đặt ra có ngữ cảnh giao tiếp cụ thể, được đặt trong những “tình huống có vấn đề” để kích thích được tư duy và sự phản xạ nhanh chóng của học sinh, giúp học sinh có thể trả lời ngắn gọn và sử dụng những biện pháp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ thích hợp.
c) Cần tạo cho học sinh tự tin, khuyến khích cho học sinh bộc lộ những suy nghĩ của mình trong việc phát biểu, thảo luận ngay cả khi ý kiến đó là sai hoặc chưa hoàn toàn chính xác. Khi đánh giá việc trình bày miệng của học sinh, bên cạnh việc cho điểm cần lưu ý sử cho học sinh những lỗi cần tránh trong nói tiếng Việt về chính âm và hướng dẫn các em nói diễn cảm, ngắn gọn, súc tích, hấp dẫn người nghe
* Lưu ý khi thực hiện :
- Hình thức tổ chức cho học sinh hoạt động để phát triển kỹ năng nói trong các giờ học Ngữ văn có thể kết hợp rất hiệu quả với việc tổ chức học sinh thảo luận nhóm. Bởi vì mục đích cuối cùng của hai hoạt động này là học sinh có thể trình bày miệng (cũng có thể là trình bày vào phiếu học tập ở các hoạt động thảo luận) những yêu cầu tìm hiểu bài học, kiến thức mà giáo viên đưa ra.
- Để thực hiện có hiệu quả việc rèn luyện kỹ năng nói cho học sinh trong các giờ học Ngữ văn, giáo viên phải có hệ thống câu hỏi đa dạng kích thích học sinh muốn nói và tham gia nói. (phát biểu miệng). Ví dụ :
 Đa dạng hoá các câu hỏi bằng các câu hỏi đóng và câu hỏi mở :
- Câu hỏi đóng chỉ có một câu trả lời đúng và thường rất ngắn.
VD : Em nào phát hiện từ ngữ có tác dụng liên kết đoạn văn trong đoạn trích sau:
“Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng thì Sơn Tinh vững vàng mà sức Thuỷ Tinh thì đã kiệt. Thần nước đành phảI rút quân. Từ đó oán nặng, thù sâu, hàng năm, Thuỷ Tinh làm mưa gió, bão lụt dâng nước lên đánh Sơn Tinh”.
- Câu hỏi mở khiến học sinh phải suy nghĩ nhiều và câu trả lời thường dài, nó thể hiện rõ hơn mức độ hiểu bài của học sinh.
VD. Câu in đậm trong phần trích sau có tác dụng liên kết đoạn văn như thế nào?
“Chị tính xem em nên đi học hay đi bộ đội?- Nó nhìn tôi không chớp mắt.
Thật khó trả lời. Lâu nay tôi vẫn là người chị khuyên bảo lời hay lẽ phải. Bây giờ phải nói với nói ra sao? Đi bộ đội hay đi học”
Câu hỏi này yêu cầu học sinh suy nghĩ nhiều hơn và có câu trả lời diễn giải sự hiểu biết của mình.
* Một số cấp độ của câu hỏi (Kích thích học sinh nói)
1. Câu hỏi gợi nhớ kiến thức
2. Câu hỏi yêu cầu quan sát
3. Câu hỏi gợi mở.
4. Câu hỏi suy đoán.
5. Câu hỏi đánh giá.
6. Câu hỏi giải quyết vấn đề.
IV. kết quả thể nghiệm :
Luyện nói trong dạy học Ngữ văn là giúp học sinh có thói quen nói trong những môi trường giao tiếp khác nhau. Nói được thực hiện một cách hệ thống, theo những chủ đề nhất định, gắn với những vấn đề quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, đảm bảo những yêu cầu cơ bản về ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (lời, mạch lạc, liên kết, các nghi thức nói, các quy tắc hội thoại, cử chỉ, nét mặt, âm lượng, sức hấp dẫn). Luyện nói tốt sẽ giúp người học có được một công cụ giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống - xã hội.
Qua hoạt động rèn luyện kỹ năng nói còn giáo dục cho học sinh những phẩm chất như : hoạt động có chủ đích trong các giờ học, sự đòi hỏi ở bản thân mình.
Tôi đã thể nghiệm cách làm này với loạt học sinh lớp 6 mới vào năm học 2004 - 2005, đến nay khoá HS này đã lên lớp 7. Kết quả so với loạt học sinh trước (năm nay là lớp 8, 9) có cải thiện hơn hẳn. Mặc dù kém các anh chị lớp 8, 9 từ 1-2 tuổi, nhưng các em học sinh lớp 6, 7 đã có kỹ năng nói tốt, nhất là khi trình bày trước tập thể khi đưa ra ý kiến của cá nhân hoặc nói theo đề cương đã chuẩn bị. Khi dự giờ các buổi học tiết “luyện nói” thì kết quả này thể hiện rõ nhất.
 KQ
 Lớp, sĩ số
Mức độ tích cực tham gia nói và nói tốt
Mức độ không tích cực tham gia nói và nói chưa tốt
SL
%
SL
%
7A (45)
35
78%
10
22%
8A (45)
20
44,4%
25
55,6%
C. Kết luận
Kỹ năng nói liên quan mật thiết với việc hình thành và phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nói tốt không chỉ góp phần rèn luyện tư duy mà còn giúp viết tốt. Muốn nói và viết tốt, người nói phải có kỹ năng tiếp nhận thông tin (nghe, đọc và quan sát tốt). Những kỹ năng này luôn đi cùng nhau, hỗ trợ cho nhau, không thể tách rời. Nếu yếu một trong bốn kỹ năng thì cũng sẽ hạn chế sự phát triển các kỹ năng còn lại. Vì vậy người giáo viên dạy ngữ văn phải điều chỉnh để cả bốn kỹ năng đồng thời được rèn luyện nhất là kỹ năng nói, xưa nay vẫn được xem nhẹ trong quá trình giảng dạy cho học sinh.
Chương trình Ngữ văn THCS theo nội dung mới chú trọng đến cả hai mặt lý thuyết và thực hành ứng dụng. Vậy làm thế nào để giáo viên có phương pháp giảng dạy hiệu quả đáp ứng được yêu cầu của SGK và của ngành, tôi kính mong Phòng Giáo dục và Nhà trường tổ chức thường xuyên các chuyên đề về phương pháp giảng dạy để giáo viên có dịp dự giờ, rút kinh nghiệm.
Với mục đích nâng cao tính ứng dụng của môn học Ngữ văn vào việc giao tiếp, tôi rất mong muốn và biết ơn những ý kiến đóng góp, xây dựng của các thày, cô, bạn bè đồng nghiệp để đề tài được hoàn thiện và có hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong những năm học tới.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Tài liệu đính kèm:

  • docsang kien kinh nghiem(3).doc