Một số vấn đề về dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng ở môn Địa lí THPT

Một số vấn đề về dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng ở môn Địa lí THPT

Chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học cấp trung học phổ thông đã được quy định tại Chương trình giáo dục phổ thông (Quyết định 16/2006/QĐ-BGD ĐT ngày 5/5/2006). Năm học 2009-2010 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT ban hành "Hướng dẫn chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình THPT" nhằm giúp GV biết được cái đích tối thiểu về kiến thức, kỹ năng cần trang bị cho HS, HS biết được cái đích tối thiểu để phấn đấu, rèn luyện, là căn cứ để ra đề kiểm tra, đánh giá phù hợp với yêu cầu dạy và học. Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), việc dạy và học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng sẽ tạo ra sự thống nhất về mục tiêu và kết quả giữa quá trình dạy học của GV, quá trình học tập của HS và quá trình đánh giá kết quả học tập. Vì thế, để việc học tập, ôn luyện đạt kết quả cao, các nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, tập trung vào những kiến thức, kỹ năng cơ bản nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng nhận thức của HS.

doc 6 trang Người đăng thanh toàn Lượt xem 1267Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Một số vấn đề về dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng ở môn Địa lí THPT", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DẠY HỌC THEO CHUẨN KIẾN THỨC KỸ NĂNG 
Ở MÔN ĐỊA LÍ  THPT
Chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học cấp trung học phổ thông đã được quy định tại Chương trình giáo dục phổ thông (Quyết định 16/2006/QĐ-BGD ĐT ngày 5/5/2006). Năm học 2009-2010 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT ban hành "Hướng dẫn chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình THPT" nhằm giúp GV biết được cái đích tối thiểu về kiến thức, kỹ năng cần trang bị cho HS, HS biết được cái đích tối thiểu để phấn đấu, rèn luyện, là căn cứ để ra đề kiểm tra, đánh giá phù hợp với yêu cầu dạy và học. Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), việc dạy và học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng sẽ tạo ra sự thống nhất về mục tiêu và kết quả giữa quá trình dạy học của GV, quá trình học tập của HS và quá trình đánh giá kết quả học tập. Vì thế, để việc học tập, ôn luyện đạt kết quả cao, các nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, tập trung vào những kiến thức, kỹ năng cơ bản nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng nhận thức của HS. 
Chuẩn kiến thức, kỹ năng của một cấp học, lớp học, môn học là các yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, kỹ năng mà HS cần phải và có thể đạt được sau khi hoàn thành chương trình giáo dục của từng cấp học, lớp học và môn học tương ứng.
Chuẩn kiến thức, kỹ năng là căn cứ để biên soạn sách giáo khoa, và các tài liệu hướng dẫn dạy học, kiểm tra, đánh giá; đồng thời cũng là căn cứ để xác định mục tiêu của mỗi giờ học, mục tiêu của quá trình dạy học, đảm bảo chất lượng giáo dục.
Căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng, các cơ quan quản lý giáo dục và các trường xác định mục tiêu kiểm tra, đánh giá đối với từng bài kiểm tra, bài thi; đánh giá kết quả giáo dục từng môn học, lớp học, cấp học; chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện dạy học.
1. Dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng.
- Dạy và học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng tạo ra sự thống nhất về mục tiêu và kết quả giữa quá trình dạy của giáo viên (GV), quá trình học của HS và quá trình quản lý, thi cử và đánh giá kết quả học tập của học sinh (HS). GV biết được cái đích tối thiểu về kiến thức, kỹ năng mà mình cần trang bị cho HS, HS biết được cái đích cuối cùng mình cần học tập và rèn luyện để đạt tới, cơ quan quản lý có căn cứ để ra đề thi, kiểm tra đánh giá phù hợp với việc dạy và học.
Nhiều ý kiến cho rằng, dạy học theo chuẩn tối thiểu thì khi đánh giá kiểm tra chỉ nên bó hẹp trong chuẩn kiến thức đó. Có vậy thì người dạy và người học mới không còn nỗi lo đề thi vượt ra ngoài quỹ đạo chương trình. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, dạy theo chuẩn kiến thức và kỹ năng không có nghĩa là cắt xén, lược bỏ kiến thức trong chương trình mà là đối với các đối tượng học sinh khác nhau, giáo viên phải biết cách áp dụng nội dung và phương pháp dạy học thích hợp. Với học sinh trung bình thì bám sát chuẩn tối thiểu, để các em nắm được kiến thức cơ bản. Với học sinh giỏi thì ngoài kiến thức chuẩn, giáo viên phải  mở rộng thêm để phát huy tính sáng tạo của các em. Đối với học sinh PTTH, ngoài việc dạy cho các em nắm kiến thức cơ bản, giáo viên cần phải mở rộng và nâng cao thêm, vì các em còn tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ. 
Ví dụ như trong bài 4, 5 “Lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ Việt Nam” (chương trình cơ bản) về mặt kiến thức theo tài liệu chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ thì GV chỉ cần làm cho HS nắm được đặc điểm ba gia đoạn phát triển của tự nhiên Việt Nam (mỗi giai đoạn có ba đặc điểm cơ bản) và đây cũng chỉ là những nội dung tối thiểu, cơ bản nhất mà người GV cần truyền đạt cho HS, ngoài ra GV cần phải mở rộng thêm để phát huy tính sáng tạo của HS. Cũng là ví dụ này ở giai đoạn Tiền Cambri ngoài ba đặc điểm cơ bản (là giai đoạn cổ nhất và kéo dài nhất trong lịch sử phát triển lãnh thổ nước ta; diễn ra trong một phạm vi hep; các điều kiện cổ địa lí còn sơ khai) GV có thể cho HS biết thêm và giải  thích đặc điểm khác là giai đoạn hình thành nền móng ban đầu của lãnh thổ nước ta và cho HS giải thích, chứng minh.
Giáo viên cũng không nên có quan niệm dạy gì thi đó mà phải chú trọng dạy những kỹ năng và phương pháp tư duy. Do đó, nếu hiểu không đúng và vận dụng tài liệu này không khéo thì giáo viên sẽ làm học sinh thui chột khả năng tư duy, sáng tạo. Trước hết, giáo viên nắm rõ được học lực và khả năng từng học sinh mình dạy; từ đó tổ chức, xác định nội dung kiến thức cần truyền đạt. Trước hết, giáo viên phải dạy cho tất cả học sinh nắm kiến thức chung, cơ bản nhất của bài giảng; sau đó mới mở rộng, nâng cao theo từng đối tượng. Một khi tài liệu hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức và kỹ năng ban hành, giáo viên phải soạn lại giáo án, đặc biệt trong quá trình cho câu hỏi kiểm tra, bài tập giáo viên phải cho theo đối tượng học sinh, không được dùng một câu hỏi chung cho mọi học sinh.
Ví dụ ở bài 16 “Đặc điểm dân số và sự phân bố dân cư nước ta” (chương trình cơ bản) theo tài liệu chuẩn kiến thức thì yêu cầu HS cần phân tích được các đặc điểm dân số và sự phân bố dân cư nước ta cũng như phân tích được nguyên nhân, hậu quả của dân số đông, tăng nhanh và phân bố chưa hợp línhư vậy GV có thể nắm được những yêu cầu cơ bản của bài học cần truyền đạt cho HS, tuy nhiên đó cũng chỉ là những mảng kiến thức cơ bản, tối thiểu mà HS cần nắm. Vì vậy GV có thể soạn giáo án theo cấu trúc của tài liệu chuẩn kiến thức để giảng dạy thay vì soạn theo cấu trúc của SGK là cứ sau mỗi đặc điểm dân số thì phải đánh giá thuận lợi, khó khăn. Ngoài ra thì GV cũng có thể sử dụng các hệ thống câu hỏi mở để có thể mở rộng kiến thức cho HS khi đánh giá những thuận lợi và khó khăn của các đặc điểm dân số đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay. (ví dụ như: giả sử dân số nước ta đông, tăng nhanh nhưng nền kinh tế nước ta là một nước phát triển thì có những thuận lợi và khó khăn gì khác so với nền kinh tế hiện nay của nước ta?)
Tuy nhiên, mỗi trường, mỗi lớp lại có nhiều đối tượng HS với trình độ, khả năng nhận thức khác nhau nên việc tổ chức dạy - học để đạt theo chuẩn cũng khác nhau, khó khăn nhất là ở những nơi có "đầu vào" thấp. Dù nhiều ý kiến khẳng định việc ôn tập môn địa lý cho HS trong 2 tháng để đạt điểm trung bình là không quá khó như với các môn tự nhiên bởi không nhiều yêu cầu phải hệ thống hóa kiến thức, song theo các GV trực tiếp đứng lớp, hiệu quả ôn tập còn phụ thuộc vào phương pháp dạy và học. Việc thay đổi chất lượng dạy - học không thể làm được trong khoảng thời gian ngắn mà cần cả quá trình với sự nỗ lực của cả GV, HS. Vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên, việc “bắt” HS học từ sáng tới tối không phải là biện pháp hữu hiệu mà thậm chí còn phản khoa học. Cách làm phổ biến ở khá nhiều trường hiện nay là phân loại HS hoặc chia nhỏ lớp theo trình độ, tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra để kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy - học cho phù hợp với từng đối tượng HS. 
Theo chuẩn mới, giáo viên phải phân loại đối tượng học sinh. Với những học sinh có năng lực trung bình trở xuống, áp dụng nội dung dạy học bám sát chuẩn tối thiểu, tránh việc ôm đồm kiến thức dẫn đến tình trạng quá tải cho học sinh. Đối với học sinh khá, giỏi, căn cứ vào chuẩn tối thiểu để mở rộng việc cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phát huy tính sáng tạo ở học sinh.
GV không nên ôm đồm kiến thức mà cần xác định mục tiêu KT-KN cho 1 tiết dạy:
   - GV dựa vào Chương trình GDPT để xác định mục tiêu về KT-KN của từng chủ đề. Trong mỗi chủ đề GV xác định được số lượng đơn vị KT-KN, mức độ cần đạt được của mỗi đơn vị KT-KN. Trên cơ sở mục tiêu của chủ đề GV xác định mục tiêu của tiết học (bài học) và nội dung ôn tập KTĐG.
 - Mục tiêu về KT-KN trong Chương trình GDPT hoặc tài liệu Hướng dẫn thực hiện chuẩn KT-KN được viết theo chủ đề. Để xác định mục tiêu của tiết dạy, GV dựa vào Chương trình Giáo dục phổ thông hoặc Tài liệu hướng dẫn thực hiện Chuẩn KT-KN kết hợp với phân phối chương trình và SGK để tách mục tiêu từ các chủ đề  thành mục tiêu của tiết học. 
Ví dụ 1:  Địa lí 10 chuẩn
Mục tiêu về KT-KN của Chủ đề BẢN ĐỒ
a. Kiến thức
*  Phân biệt được một số phép chiếu hình bản đồ cơ bản: phép chiếu phương vị, phép chiếu hình nón, phép chiếu hình trụ: Đặc điểm lưới kinh, vĩ tuyến của phép chiếu phương vị đứng, hình nón đứng, hình trụ đứng
* Phân biệt được một số phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ: phương pháp kí hiệu, kí hiệu đường chuyển động, chấm điểm, bản đồ-biểu đồ.
* Hiểu và trình bày được phương pháp sử dụng bản đồ, Atlat địa lí để tìm hiểu đặc điểm của các đối tượng, hiện tượng và phân tích các mối quan hệ địa lí.
   b. Kĩ năng
* Nhận biết được một số phép chiếu hình bản đồ qua mạng lưới kinh, vĩ tuyến. 
* Nhận biết một số phương pháp phổ biến để biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ và Atlat..
Mục tiêu về KT-KN của các tiết học trong chủ đề BẢN ĐỒ
Chủ đề này thực hiện trong 3 tiết, với các nội dung cụ thể. Vì vậy GV cần xác định được mục tiêu về KT-KN của từng tiết học. Từ mục tiêu về KT-KN của chủ đề như trên kết hợp với SGK và phân phối chương trình ta tách thành mục tiêu của tiết học như sau:
Tiết 1. Các phép chiếu hình bản đồ cơ bản
   a. Mục tiêu về kiến thức
  Phân biệt được một số phép chiếu hình bản đồ cơ bản: phép chiếu phương vị, phép chiếu hình nón, phép chiếu hình trụ.
Đặc điểm lưới kinh, vĩ tuyến của phép chiếu phương vị đứng, hình nón đứng, hình trụ đứng
+ Phép chiếu phương vị đứng : các kinh tuyến là những đoạn thẳng đồng quy ở cực, các vĩ tuyến là những vòng tròn đồng tâm ở cực.
+ Phép chiếu hình nón đứng : các kinh tuyến là những đoạn thẳng đồng quy ở cực, các vĩ tuyến là những cung tròn đồng tâm.
+ Phép chiếu hình trụ đứng : các kinh, vĩ tuyến đều là những đường thẳng song song và vuông góc với nhau.
b. Mục tiêu về kĩ năng
Nhận biết được một số phép chiếu hình bản đồ qua mạng lưới kinh vĩ tuyến: dựa vào đặc điểm của mạng lưới kinh, vĩ tuyến để xác định phương pháp chiếu đồ được sử dụng để vẽ bản đồ là phép chiếu phương vị đứng, hình nón đứng hay hình trụ đứng. 
Ví dụ 2. Địa lí 11 chương trình chuẩn
Mục tiêu về KT-KN của chủ đề HOA KÌ
a. Kiến thức
* Biết được vị trí, phạm vi lãnh thổ Hoa Kì, 
- Vị trí địa lí: nằm ở bán cầu Tây, giữa hai đại dương lớn, Tiếp giáp với Ca-na-đa và khu vực Mĩ La tinh.
- Phạm vi lãnh thổ: gồm phần rộng lớn trung tâm Bắc Mĩ, bán đảo A-la-xca (tây bắc Bắc Mĩ) và quần đảo Ha-oai (giữa Thái Bình Dương).
* Trình bày được đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và phân tích được thuận lợi, khó khăn của chúng đối với sự phát triển kinh tế (nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng).
* Phân tích được đặc điểm dân cư  và ảnh hưởng của chúng tới phát triển kinh tế. Phần lớn là dân nhập cư, trình độ dân trí và khoa học cao, mật độ dân số thấp; vấn đề của người nhập cư da màu.
* Trình bày và giải thích được đặc điểm kinh tế - xã hội của Hoa Kì, vai trò của một số ngành kinh tế chủ chốt, sự chuyển dịch cơ cấu ngành và sự phân hoá lãnh thổ của nền kinh tế Hoa Kì :cường quốc kinh tế,GDP lớn nhất thế giới.
* Ghi nhớ được một số địa danh
b. Kĩ năng
- Sử dụng bản đồ Hoa Kì để phân tích đặc điểm  địa hình và sự phân bố khoáng sản, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế.
- Phân tích số liệu, tư liệu về đặc điểm tự nhiên, dân cư, kinh tế Hoa Kì; so sánh sự khác biệt giữa các vùng.
Mục tiêu về KT-KN của các tiết học trong chủ đề Hoa Kì
Bài 6. Hợp chúng quốc Hoa Kì
Tiết 1. Tự nhiên và dân cư
   a. Mục tiêu về kiến thức
- Biết được vị trí, phạm vi lãnh thổ Hoa Kì, 
+ Vị trí địa lí: nằm ở bán cầu Tây, giữa hai đại dương lớn, tiếp giáp với Ca-na-đa và khu vực Mĩi La tinh nên không bị chiến tranh tàn phá.
+ Phạm vi lãnh thổ: đất nước rộng lớn, với các miền địa hình khác biệt từ Tây sang Đông, gồm phần rộng lớn trung tâm Bắc Mĩ, bán đảo A-la-xca (tây bắc Bắc Mĩ) và quần đảo Ha-oai (giữa Thái Bình Dương).
- Trình bày được đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phân tích được thuận lợi, khó khăn của chúng đối với sự phát triển kinh tế. 
- Phân tích được đặc điểm dân cư  và ảnh hưởng của dân cư tới phát triển kinh tế. (Phần lớn là dân nhập cư, trình độ dân trí và khoa học cao, mật độ dân số thấp; vấn đề của người nhập cư da màu).
b. Mục tiêu về kĩ năng
- Sử dụng bản đồ Hoa Kì để phân tích đặc điểm  địa hình và sự phân bố khoáng sản, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế.
- Phân tích số liệu, tư liệu về đặc điểm tự nhiên, dân cư; so sánh sự khác biệt giữa các vùng.
Ví dụ 3. Địa lí 12 chương trình chuẩn
Mục tiêu về KT-KN của chủ đề ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN-Nội dung 2
a. Kiến thức
* Trình bày được đặc điểm ba giai đoạn phát triển của tự nhiên Việt Nam.
- Giai đoạn tiền Cambri: Là giai đoạn hình thành nền móng ban đầu của lãnh thổ Việt Nam với các đặc điểm :
+ Là giai đoạn cổ nhất và kéo dài nhất trong lịch sử phát triển lãnh thổ Việt Nam, diễn ra trong khoảng 2 tỉ năm, kết thúc cách đây 542 triệu năm.
+ Diễn ra trong một phạm vi hẹp trên phần lãnh thổ nước ta hiện nay. 
+ Các điều kiện cổ địa lí còn rất sơ khai và đơn điệu.
- Giai đoạn Cổ kiến tạo: Là giai  đoạn tạo địa hình cơ bản, có tính chất quyết định đến lịch sử phát triển của tự nhiên nước ta, với các đặc điểm:
+ Diễn ra trong thời gian khá dài, tới 477 triệu năm, trải qua hai đại Cổ sinh và Trung sinh. 
+ Có nhiều biến động mạnh mẽ nhất trong lịch sử phát triển tự nhiên nước ta (dẫn chứng).
+ Là giai đoạn lớp vỏ cảnh quan địa lí nhiệt đới ở nước ta đã rất phát triển.
+ Về cơ bản, đại bộ phận lãnh thổ nước ta hiện nay đã được định hình từ khi kết thúc giai đoạn Cổ kiến tạo.
- Giai đoạn Tân kiến tạo: Giai đoạn cuối cùng trong lịch sử hình thành và phát triển của tự nhiên nước ta. 
+ Diễn ra ngắn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của tự nhiên nước ta. Bắt đầu từ cách đây 65 triệu năm và vẫn tiếp diễn đến ngày nay.
+ Chịu sự tác động mạnh mẽ của vận động tạo núi Anpơ -Himalaya và những biến đổi khí hậu có quy mô toàn cầu.
+ Là giai đoạn tiếp tục hoàn thiện các điều kiện tự nhiên, làm cho đất nước ta có diện mạo và đặc điểm tự nhiên như hiện nay.
* Biết được mối quan hệ giữa lịch sử địa chất với các điều kiện địa lí của nước ta
 Lịch sử địa chất tạo cho thiên nhiên nước ta có diện mạo như ngày nay.
b. Kĩ năng
   Đọc lược đồ cấu trúc địa chất Việt Nam để xác định sự phân bố của các đá chủ yếu của từng giai đoạn hình thành lãnh thổ nước ta (Tiền Cambri, Cổ kiến tạo,Tân kiến tạo).
Mục tiêu về KT-KN của các tiết học trong chủ đề Địa lí tự nhiên - Nội dung 2
Tiết 1: Lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ
a. Mục tiêu về kiến thức
- Biết được lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ Việt Nam diễn ra rất lâu dài với 3 giai đoạn: Tiền Cambri, Cổ kiến tạo và Tân kiến tạo.
- Trình bày được đặc điểm giai đoạn tiền Cambri: Là giai đoạn hình thành nền móng ban đầu của lãnh thổ Việt Nam với các đặc điểm :
+ Là giai đoạn cổ nhất và kéo dài nhất trong lịch sử phát triển lãnh thổ Việt Nam, diễn ra trong khoảng 2 tỉ năm, kết thúc cách đây 542 triệu năm.
+ Diễn ra trong một phạm vi hẹp trên phần lãnh thổ nước ta hiện nay. 
+ Các điều kiện cổ địa lí còn rất sơ khai và đơn điệu.
b. Mục tiêu về kĩ năng
- Biết đọc bảng Niên biểu địa chất.
- Đọc lược đồ cấu trúc địa chất Việt Nam để xác định sự phân bố của các đá chủ yếu trong giai đoạn hình thành lãnh thổ nước ta: Tiền Cambri.
2. Ôn tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng.
- Trong việc ôn tập, cần kết hợp nhiều phương thức phù hợp để giúp HS có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong việc ôn tập. Việc tự học, tự ôn tập một cách tích cực và tự giác của HS là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các GV cần kết hợp hướng dẫn HS tự học, tự ôn tập; ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp.
Việc kết hợp nhiều phương thức ôn tập như vậy có tác dụng giúp HS tự kiểm tra, đánh giá được kết quả ôn tập của mình đồng thời nhận được sự đánh giá của giáo viên và các bạn trong nhóm học tập cũng như của cả lớp. Từ đó phát hiện những phần kiến thức còn thiếu hụt để kịp thời bổ sung. HS cũng có thể trao đổi với nhau những cách ôn tập hay, cách làm bài thi đạt kết quả cao.
3. Tài liệu giảng dạy và ôn tập.
- Trong quá trình dạy học và ôn tập theo chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT và chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT quy định, ngoài sách giáo khoa, GV và HS có thể sử dụng các tài liệu tham khảo phù hợp. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không có chủ trương yêu cầu bắt buộc GV và HS phải sử dụng tài liệu tham khảo cụ thể nào. GV, HS  và gia đình hoàn toàn có quyền tự lựa chọn tài liệu phù hợp giúp cho việc ôn tập để thi tốt nghiệp thuận lợi.
Chỉ lưu ý rằng, tài liệu tham khảo phục vụ cho việc ôn tập thi tốt nghiệp THPT phải bám sát những kiến thức kỹ năng cơ bản nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với khả năng nhận thức của HS mới đảm bảo cho việc ôn tập có hiệu quả.
 Chương trình SGK đã đề cập chuẩn tối thiểu phải đạt được trong quá trình dạy học, nhưng chỉ nêu khái quát, mang tính tương đối nên nếu có thêm tài liệu này, giáo viên sẽ nắm cụ thể và chi tiết hơn những kiến thức, kỹ năng, trọng tâm bài giảng để truyền đạt cho học sinh và không lo “dạy một đường, ra thi một nẻo”. 
Thực ra, chuẩn kiến thức, kỹ năng đã được quy định tại chương trình giáo dục phổ thông. Nhưng ở nhiều trường, học sinh đang bị nhồi nhét kiến thức, quá tải vì giáo viên thụ động, không có khả năng xác định và bám sát chuẩn tối thiểu dẫn đến việc dạy học vượt chuẩn tối thiểu cho những HS có trình độ nhận thức trung bình, dưới trung bình
Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã phải tổ chức biên soạn tài liệu “hướng dẫn của hướng dẫn” này (hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng) để tạo điều kiện cho giáo viên trong công tác dạy học.
 “Tất cả giáo viên, chuyên viên, hiệu trưởng phải có trong tay tài liệu dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng và xem đây là kim chỉ nam trong quá trình dạy học”.
“Với tài liệu dạy học theo chuẩn kiến thức và kỹ năng, giáo viên sẽ biết cách chọn lọc kiến thức nào từ sách giáo khoa để đưa vào giảng dạy mà không cần đoán mò trọng tâm”.  
Tóm lại, tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức và kỹ năng Địa lí 12 đã hướng dẫn một cách chi tiết, tường minh các yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, kỹ năng  của chuẩn kiến thức, kỹ năng từ những nội dung chon lọc từ sách giáo khoa, làm cơ sở thuận lợi hơn cho GV và HS trong giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên theo bản thân tôi hiết nghĩ trong quá trình dạy học và ôn tập cho HS, nhà trường, GV chủ nhiệm, các GV bộ môn cần hết sức chú trọng khâu thu nhận thông tin phản hồi về những thuận lợi, khó khăn và kết quả ôn tập của HS, của lớp. Từ đó có sự điều chỉnh hợp lý trong việc chỉ đạo và tổ chức ôn tập cho HS nhằm nâng cao hiệu quả việc ôn tập. Tùy điều kiện cụ thể của từng trường và yêu cầu thực tế, có thể tổ chức kiểm tra khảo sát để thực hiện được mục tiêu trên. Tuy nhiên, cũng không nên tổ chức quá nhiều lần gây tâm lý nặng nề, tốn kém thời gian và sức lực của GV và HS

Tài liệu đính kèm:

  • docDẠY HỌC THEO CHUẨN KIẾN THỨC KỸ NĂNG.doc