Đề tài Phương pháp giúp học sinh làm tốt văn nghị luận trong phân môn Tập làm văn 7

Đề tài Phương pháp giúp học sinh làm tốt văn nghị luận trong phân môn Tập làm văn 7

 I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

 Trong chương trình Ngữ văn THCS, phân môn tập làm văn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tri thức cơ bản về các kiểu văn bản, hình thành các kĩ năng nói, hiểu khái quát về văn bản và bố cục chung của nó. Bản thân hoạt động tập làm văn là một hoạt động tích hợp, tích hợp tri thức văn bản đọc - hiểu, Tiếng Việt vào việc tạo lập văn bản mới.

doc 5 trang Người đăng vultt Lượt xem 686Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Phương pháp giúp học sinh làm tốt văn nghị luận trong phân môn Tập làm văn 7", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHƯƠNG PHÁP GIÚP HỌC SINH LÀM TỐT VĂN NGHỊ LUẬN TRONG PHÂN MÔN TẬP LÀM VĂN 7
 I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
 Trong chương trình Ngữ văn THCS, phân môn tập làm văn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tri thức cơ bản về các kiểu văn bản, hình thành các kĩ năng nói, hiểu khái quát về văn bản và bố cục chung của nó. Bản thân hoạt động tập làm văn là một hoạt động tích hợp, tích hợp tri thức văn bản đọc - hiểu, Tiếng Việt vào việc tạo lập văn bản mới. Chương trình tập làm văn đặt trọng tâm ở thực hành: Xây dựng bài qua thực hành, thực hành nhận biết và thực hành qua văn bản. Do đó điểm mới và khó trong chương trình Ngữ văn là phương pháp dạy thực hành. Cụ thể và quan trọng nhất là rèn luyện kĩ năng viết một bài văn đúng, đủ, hay và có sức thuyết phục. Đối với chương trình ngữ văn 7 thì văn nghị luận là một thể văn mới và khó. Chương trình so với trình độ tiếp thu, khả năng nhận biết và diễn đạt của các em nằm ở lứa tuổi 13,14 còn nhiều hạn chế và mới mẻ. Nếu những em có khả năng tư duy trừu tượng tốt, biết trình bày một quan điểm, thái độ đúng trước một vấn đề, có chủ kiến rõ ràng thì sẽ không thấy khó. Còn những em quen tư duy cụ thể, cảm tính, ít năng lực suy luận, ít có bản lĩnh, ít có chủ kiến đối với mọi việc thì sẽ cảm thấy khó. Thực trạng học sinh hiện nay, cho thấy kĩ năng viết còn hạn chế nhất là việc trình bày lại những suy nghĩ của mình trước một vấn đề nào đó. Để giúp các em tiếp thu đỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các em có sự hứng thú trong học tập, thu lượm kết quả nhất định để bước sang học chương trình lớp 8, 9 tránh bớt phần bỡ ngỡ và có điều kiện nâng cao kiến thức trong quá trình học tập – chúng tôi chọn đề tài " PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY PHẦN VĂN NGHỊ LUẬN TRONG PHÂN MÔN TẬP LÀM VĂN 7 ".
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
 1. Cơ sở lí luận:
 Chúng ta phải nhận thức rằng văn nghị luận là một trong những kiểu văn bản rất quan trọng trong đời sống xã hội, có vai trò rèn luyện tư duy, năng lực biểu đạt, suy luận của các em giúp các em có những quan điểm đúng đắn, tư duy sâu sắc trước đời sống. Có thể khẳng định rằng thiếu văn nghị luận khó có thể hình thành tư duy tư tưởng mạch lạc, tư duy sáng tạo, ý nghĩa sâu sắc trong đời sống.
 Một em học sinh có năng lực nghị luận thì sẽ có khả năng biểu đạt, phán đoán chính xác sự việc, sẽ tạo ra một điều kiện thuận lợi để thành đạt trong cuộc sống.
 Do đó muốn tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh làm văn nghị luận tốt, giáo viên phải giúp học sinh nắm vững khái niệm, có quan điểm rõ ràng khi nói đến một việc, đồng thời giúp các em biết tư duy lô-gích, sử dụng thành thạo các thao tác: phân tích, tổng hợp, qui nạp, diễn dịch, so sánh, suy lý...
 Cần phải giúp các em biết văn nghị luận phải có luận điểm, có lý lẽ, có dẫn chứng (từ thực tế văn, thơ) và có phương pháp lập luận chặt chẽ để nối kết các vấn đề, quan điểm nhỏ cùng một luận cứ để giải quyết vấn đề nào đó và đề ra lập luận lớn.
2. Cơ sở thực tiễn:
 Trong quá trình giảng dạy giáo viên phải biết dạy kết hợp phương pháp truyền thống và phương pháp mới để tiết dạy tránh sự cứng nhắc. Vì thế trong những năm giảng dạy chương trình Tập làm văn lớp 8, 9 cũ tôi đúc kết thành kinh nghiệm giảng dạy phân môn Tập làm văn phần văn nghị luận, nay chúng tôi đem phương pháp này rút ra những phương pháp dạy mới có liên quan đến phần văn nghị luận trong chương trình Tập làm văn lớp 7 mới. 
 3. Nội dung nghiên cứu: 
 Khi dạy phần lí thuyết của văn nghị luận, tôi rút ra dàn bài chung của các bài lí thuyết ở bài ôn tập như sau: VĂN NGHỊ LUẬN.
 a. Khái niệm:
 Văn nghị luận là loại văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó. Muốn thế, văn nghị luận phải có quan điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục.
 Ví dụ: Trích một đoạn văn: " Diệt giặc dốt trong thời đại mới".
 Trong thời đại mới của văn minh trí tuệ, Đảng ta phát huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần con người Việt Nam, đưa phong trào diệt giặc dốt lên trình độ hiện đại " cả nước trở thành xã hội học tập" và phát động cuộc vận động " Toàn dân đoàn kết thi đua xây dựng". "Cả nước trở thành một xã hội học tập, học tập suốt đời".
 Cả nước là một xã hội học tập: Từ một người lãnh đạo cho đến người dân, từ giáo sư, tiến sĩ cho đến người lao động đơn giản, ai cũng học, tự học, tự làm, học hỏi, học hiểu, học hành sáng tạo suốt đời, "Tự nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính tị, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề, tự tìm và tự tạo việc làm, tự hoàn thiện nhân cách".
 Xã hội học tập là xã hội không có người mù chữ, mù nghề. Ai cũng được học chữ, học nghề nên người...
 Hai mặt trận xoá mù chữ, xoá mù nghề, ba quân đội"Giáo dục phổ thông – giáo dục chuyên nghiệp – giáo dục cộng đồng", ba mũi giáp công " Giáo dục công lập – giáo dục ngoài cộng đồng – giáo dục từ xa" nhất thiết phải xoáy quanh một trung tâm " người học và việc học suốt đời"...(Trích báo GD–TĐ số 22)
 b. Đặc điểm văn nghị luận: Có 3 đặc điểm:
 - Luận điểm: Là ý kiến thể hiện tư tưởng quan điểm của bài văn. Là linh hồn của bài viết. Có sự thống nhất đúng đắn, chân thật à thuyết phục.
 - Luận cứ: là lí lẽ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở cho luận điểm. Luận cứ phải chân thật, đúng, tiêu biểu àthuyết phục.
 - Lập luận: Là cách nêu luận cứ để dẫn đến luận điểm.
 Chặt chẽ, hợp lí à thuyết phục.
 (Giáo viên phân tích đoạn trích trên cho học sinh nắm thêm bài)
 * So sánh cách ra đề cũ và cách ra đề mới:
Cách ra đề cũ
Cách ra đề mới
-Thiên nhiên là người bạn tốt của con người, con người cần yêu mến và bảo vệ thiên nhiên. 
 Em hãy chứng minh cho ý kiến trên.
- Thất bại là mẹ thành công.
- Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
* Giáo viên phân tích thêm: Trước đây ra đề có dùng cụm từ"Hãy chứng minh, hãy giải thích". Nay có thể không sử dụng những cụm từ trên. Như vậy các em có thể sử dụng nhiều thao tác làm bài. Các em có thể đưa ra ý kiến tranh luận để ca ngợi, để phê phán, phân tích hoặc khuyên nhủ. Tìm hiểu đề để xác định vấn đề cần nghị luận để tránh khỏi lạc đề, xa đề. Vấn đề của đề bài mang ính chất trung tính, chưa thể hiện rõ tư tưởng, quan điểm của người viết. Cách ra đề như vậy để các em bày tỏ quan điểm, tư tưởng của mình một cách dễ dàng hơn. Cách ra đề như vậy gần gũi cuộc sống để các em dễ dàng trong việc xác lập luận cứ).
 Sau đó, các em tìm ra cách lập luận cho luận điểm. Có nhiều cách nhưng các em mới học đến phần lí thuyết chung của bài văn nghị luận. Giáo viên giúp các em lập ý cho bài nghị luận.
 Hướng dẫn các em lập dàn ý cho đề bài sau:
 " Hãy biết quí trọng thời gian"
 1. Xác lập luận điểm: (Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện theo đề)
 Nêu lên lời khuyên ta hãy biết xem thời gian như một của quí giá. Em có tán thành với lời khuyên đó không?
 Nếu em tán thành thì hãy coi đó là luận điểm của mình và tìm luận cứ xây dựng lập luận cho luận điểm.
 2. Tìm luận cứ: 
 Ta đặt các câu hỏi: Thời gian là gì? Tại sao phải biết quí trọng thời gian? Ta biết quí thời gian thì thời gian sẽ giúp ta làm được những gì? Nếu ta biết quí thời gian thì thời gian sẽ như thế nào?
 3. Xây dựng lập luận: ( Giáo viên giúp các em cách lập luận)
 Sau khi các em biết làm một bài nghị luận chung, giáo viên giúp các em phân biệt hai dạng:
 - Lập luận chứng minh.
 - Lập luận giải thích.
 * So sánh hai kiểu lập luận trên:
 + Giống nhau: 
 - Đều là văn nghị luận.
 - Dùng lí lẽ và dẫn chứng để trình bày ý kiến, tư tưởng nhằm thuyết phục người đọc, người nghe.
 + Khác nhau:
Chứng minh
Giải thích
Dùng những lí lẽ, dẫn chứng chân thật để chứng tỏ luận điểm mới.
 Dẫn chứng là chủ yếu.
Bằng cách nêu khái niệm các từ khó, kể các biểu hiện, so sánh, đối chiếu với các hiện tượng khác, chỉ ra mặt lợi, mặt hại, nêu nguyên nhân, hậu quả, cách đề phòng hoặc noi theo.
 Lí lẽ là chủ yếu.
Giáo viên ra một đề nhưng hướng dẫn học sinh làm theo hai cách lập luận trên.
 Ví dụ: Có chí thì nên.
 Hướng dẫn học sinh thực hành tìm ý theo phương pháp chứng minh như sau:
 Giáo viên có thể nêu ra một số câu hỏi như sau nhằm hướng học sinh tìm đến nội dung bài:
 a. "Chí" có nghĩa là gì?
 b. Ý chí có nghĩa như thế nào trong cuộc sống? Ý chí sẽ giúp con người có thêm những điều gì và vượt qua những điều gì trong cuộc sống?
 c. Nếu con người thiếu ý chí, không chuyên tâm, không kiên trì thì có làm được điều gì không?
 d. Qua những suy luận trên các em có thể đưa ra một số dẫn chứng về những tấm gương vượt khó, những tấm gương nêu cao ý chí đã đem lại thành công trong học tập cũng như trong các cuộc thi thể dục thể thao mà em biết.
 Qua việc đưa ra các câu hỏi như vậy, giáo viên giúp học sinh tìm cách lập luận, hướng các em dễ dàng hiểu văn nghị luận chứng minh.
 Cũng với đề tài này, giáo viên giúp các em tìm ý cho bài văn nghị luận giải thích như sau:
 a. Em hiểu thế nào là "chí"?
 b. "Nên" ở câu tục ngữ có nghĩa là gì?
 c. Taị sao "Có chí thì nên"?
 d. Câu tục ngữ có nghĩa bóng không? Như vậy nghĩa sâu xa của câu tục ngữ là gì? Câu tục ngữ đúc kết được những kinh nghiệm gì trong cuộc sống?
 e. Qua việc hiểu ý nghĩa câu tục ngữ, các em có thể nêu một vài dẫn chứng ở thực tế về các tấm gương vượt khó trong học tập, những tấm gương có tinh thần cầu tiến, vượt mọi hoàn cảnh, tật nguyền để đem thành công về cho bản thân ở cuộc sống, cũng như những tấm huy chương về cho Tổ quốc...để làm rõ thêm ý nghĩa câu tục ngữ.
 Như vậy chỉ cần một đề bài, giáo viên có thể khắc sâu cho học sinh về kiến thức văn nghị luận chứng minh và giải thích khác và giống nhau như thế nào?
 Đối với bài này, không chỉ áp dụng trong tiết ôn tập mà trong quá trình dạy các tiết lí thuyết giáo viên giúp các em nắm kĩ để phần làm bài các em bớt phần khó khăn.
 Tóm lại, đối với học sinh nằm ở lứa tuổi 13 – 14 về tâm sinh lí chưa phát triển, khả năng suy luận chưa có, vì vậy việc cung cấp các bài lí thuyết này không phải dễ dàng. Do đó, đối với giáo viên đứng lớp phải sáng tạo trong cách dạy, phải bằng mọi phương pháp hình thành trong nhận thức của các em, giúp cho các em sau khi học xong phần văn nghị luận có sự hình dung văn nghị luận khác với các loại văn khác mà các em đã học. Yêu cầu đối với các em là phải đọc sách nhiều hơn, am hiểu xã hội nhiều hơn, tập kĩ năng tranh luận, suy luận một vấn đề, biết nhận thức vấn đề đó đúng hay sai; đúng sai như thế nào để hình thành cho các em một tư tưởng đúng đắn, có lập trường vững vàng. Vậy học văn nghị luận ngoài việc các em biết cách làm một bài văn nghị luận cũng là một quá trình giáo dục về nhân cách cho các em, giúp các em thấy yêu văn thơ hơn...Vì thế khi ra đề văn cần chọn những đề có nội dung giáo dục cao như các đề:
 - Thất bại là mẹ thành công.
 - Hãy biết quí thời gian.
 - Có chí thì nên.
 Sau mỗi bài viết hình thành cho các em một nhận thức về tư tưởng sâu sắc.
4. Kết quả:
 Từ cách làm trên, trong nhiều năm giảng dạy chúng tôi luôn thành công trong việc giúp các em học sinh làm bài cũng như việc nâng cao nhận thức của các em. 
Trong các giờ học Tập làm văn các em không chán nản, trái lại cảm thấy thích thú. Kết quả học tập môn Ngữ văn của học sinh đạt từ 80 – 85% trung bình trở lên. Và chúng tôi tin rằng, với phương pháp dạy như trên áp dụng vào chương trình Tập làm văn lớp 7 mới sẽ thành công trong việc giúp các em tiếp thu ở một kết quả tương đối khả quan.
 III. THAY LỜI KẾT LUẬN:
 Trên đây chỉ là cơ sở lí luận chủ quan rút ra từ quá trình giảng dạy và tham khảo tài liệu. Mong các bạn đồng nghiệp, Hội đồng khoa học các cấp xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm này góp ý bổ sung để đề tài được hoàn chỉnh, để có thể sớm áp dụng vào việc dạy phân môn Tập làm văn 7 có hiệu quả hơn.
 Xin chân thành cảm ơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Sách giáo khoa, sách giáo viên Ngữ văn 7 - Tập II.
2/ Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy học ở trường THCS môn Ngữ văn 7 (Bộ GD & ĐT)
3/ Tạp chí giáo dục.
MỤC LỤC:
 Trang
 I. Đặt vấn đề -1-
II. Giải quyết vấn đề -1-
 1.Cơ sở lí luận -1-
 2. Cơ sở thực tiễn -2-
 3. Nội dung nghiên cứu -2-
 4. Kết quả -4-
III. Kết luận -5-

Tài liệu đính kèm:

  • docSKKN NV7(2).doc